''1kg đu đủ chúng tôi bán với giá 5 đến 6 ngàn đồng. Mỗi một cây cho thu hoạch 25-30kg. Một sào trung bình có 75 đến 80 cây. Trừ chi phí, một năm mỗi sào cũng cho 6 đến 7 triệu đồng. Hơn làm ruộng là cái chắc". Đó cũng là lời bộc bạch của anh thanh niên 27 tuổi Đặng Văn Huy, ông chủ của 9 sào đu đủ ven Quốc lộ 32C, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông (Phú Thọ) khi bắt đầu câu chuyện lập nghiệp với giống cây trồng mới của mình bằng bài toán so sánh rất đơn giản nhưng không phải ai cũng thấy và làm được...
Sinh năm 1980 trong một gia đình thuần nông, ngay ở tuổi cắp sách đến trường Huy đã rất thấm thía cuộc sống thiếu thốn, cơ cực của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Là con cả trong gia đình, học hết THCS, anh quyết định nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi 3 em ăn học. Nhanh nhẹn, tháo vát, Huy cùng bố thoả thuận với những người cùng xã xin đổi ruộng đất của nhà mình trong làng lấy những thửa ruộng chiêm trũng ven Quốc lộ 32C. Sau nhiều lần thương lượng trao đổi, bố con Huy đã có 9 sào đất liền nhau. Có đất, cả gia đình anh tập trung cải tạo rồi mua táo về trồng. Thời điểm bấy giờ, quyết định táo bạo của bố con anh là việc làm liều lĩnh, đánh bạc với trời. Vì từ trước đến nay người Thượng Nông chỉ quen với cây lúa, cây khoai, những giống lương thực có thể đảm bảo cuộc sống. Còn như táo có ngon mấy cũng chỉ là thứ hoa quả ăn chơi, làm sao có thể ăn trừ bữa được. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, đàm tiếu của dân làng, bố con anh vẫn ngày ngày cần mẫn gánh nước, vun gốc, bắt sâu chăm sóc cho gần chục sào táo của mình. Đến kỳ thu hoạch, thấy cây táo cho năng suất cao, bán được giá, thu nhập gấp mấy lần cây lúa, mọi người trong làng mới đổ xô đến hỏi bố con anh cách chọn giống, kỹ thuật trồng để làm theo. Nằm sát Quốc lộ, nơi có mật độ người qua lại nhiều, cứ bày táo ra vệ đường là có khách đến mua. Có thời điểm dọc đường qua địa phận xã Thượng Nông người ngồi bán táo san sát. Cây táo đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều gia đình trong xã.
Nhưng chỉ mấy năm sau, giống táo thoái hóa, nhu cầu khách hàng giảm, quả táo trồng được giá rẻ như cho mà cũng chẳng ai muốn mua. Nhiều người lại bắt đầu chặt táo trở lại trồng lúa.
Năm 2003, Huy lập gia đình riêng và quyết định cùng vợ ra khu đất của nhà dựng trại tìm hướng mưu sinh. Trồng cây gì, canh tác như thế nào để thu lợi nhuận cao nhất từ mảnh đất gia đình giao cho? Sau nhiều lần bắt xe qua Hà Tây, Hà Nội tham quan, học hỏi, anh nhận thấy cây đu đủ giống Đài Loan rất hợp với mảnh đất chiêm trũng của mình. Cây cho quả nhiều và to, ruột đặc, chín không nẫu, ăn giòn, ngọt rất được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa, cách chăm sóc không cầu kỳ, không cần nhiều lao động. Sau khi bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng, anh đã bỏ vốn mua giống, đầu tư phân bón, cải tạo lại đất, bắt đầu trồng đu đủ. Bước đầu anh bỏ 400.000 đồng tiền giống, rồi phân bón, công chăm sóc. Sau bao năm miệt mài lao động vất vả, "đất không phụ công người vun đắp", sản lượng quả tăng gấp 3 lần so với những vụ trước, trừ chi phí, anh thu về hơn 40 triệu đồng. Anh Huy cho biết : Đu đủ là giống cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được úng. Ngập nước là cây thối rễ chết ngay. Muốn cây sinh trưởng tốt bắt buộc người trồng phải đắp ụ cao, đào mương rãnh ngay trong vườn để chủ động nước tưới, không tốn công lao động.
Mặt khác, mỗi năm phải chuyển địa điểm trồng cây một lần để tránh sâu bệnh. Nhà anh có 9 sào đất, chia làm 2 lô, năm nay trồng ở lô này, thu hoạch xong anh lại chuyển qua canh tác ở lô khác. Diện tích đất còn lại anh thâm canh cây cảnh. Trong vườn nhà anh Huy hiện giờ có cả trăm gốc đào, cau cảnh, si, đa, trúc quân tử... Mỗi năm, những cây cảnh này cũng mang về cho anh nguồn thu không nhỏ.
Liên tiếp 3-4 vụ, năm nào vườn đu đủ của gia đình anh cũng ổn định sản lượng 2,5 tấn quả/sào. Với giá bán 5 đến 6.000 đồng/kg rõ ràng cây đu đủ cho thu nhập cao hơn cây lúa nhiều lần. Hơn nữa, trồng đu đủ tương đối nhàn không đòi hỏi công chăm sóc cao. 5 đến 6 sào cây của nhà anh chỉ cần 2 lao động là đủ.
Thấy được lợi ích từ cây đu đủ nhiều hộ trong xã lại tìm đến anh Huy để học kinh nghiệm trồng cây. Cả chục gia đình ven Quốc lộ 32C đã trồng thành công, có sản phẩm bày bán. Giống đu đủ chỉ trồng được một năm, năm sau là thoái hóa, vì vậy người trồng phải mua giống cho mỗi vụ canh tác. Có kinh nghiệm trong việc chọn giống, gieo hạt, anh Huy lại là người đi mua hạt giống về ươm, cung cấp cây con cho tất cả các chủ vườn trong vùng./.