00:00 Số lượt truy cập: 3193649

Anh Lô đi lên từ mô hình kinh tế tổng hợp 

Được đăng : 03/11/2016

Ngôi nhà mới xây của gia đình anh Vi Văn Lô nằm sâu phía cuối thôn Phương Đông, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng. Ngôi nhà rộng khoảng 100m2 với tiện nghi tương đối đầy đủ, là cơ ngơi mà vợ chồng anh gây dựng được sau hơn 10 năm làm lụng vất vả.


                    
                                             Anh Lô đang chăm sóc đàn gà
Anh Lô sinh năm 1970, lập gia đình năm 1997. Những năm đầu lập gia đình, vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. Anh Lô tâm sự: sau khi cưới được một thời gian, hai vợ chồng anh ra ở riêng. Khi đó, không có vốn, anh phải vay mượn từ anh em, bạn bè để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, gia đình anh đầu tư vào trồng vải, trồng sắn, kết hợp với chăn nuôi lợn. Nhờ chịu khó và ham học hỏi nên việc trồng trọt, chăn nuôi tiến triển rất tốt, nhanh chóng mang lại thu nhập khá. Mặc dù vậy, để mở rộng việc phát triển kinh tế gia đình, cần phải đa dạng hóa các mô hình, đồng thời mở rộng quy mô. Với suy nghĩ đó, năm 2002, gia đình anh đã vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng. Số tiền này, anh đầu tư chủ yếu vào việc chăn nuôi. Với 4 con lợn nái, trong năm, gia đình anh đã nâng tổng số lợn thịt lên tới 50 con. Nhưng không may sau đó, đàn lợn đang phát triển thì đến năm 2005, chúng bị mắc bệnh Lépto (còn gọi là bệnh hôi), khiến cho đàn lợn của gia đình anh chết gần hết, chỉ còn sót lại duy nhất 1 con lợn nái. Không nản chí trước thất bại, với con lợn nái còn lại, anh tiếp tục duy trì nuôi. Hàng năm, những lứa lợn con ra đời, anh đều dành để nuôi hết. Nhờ kiên trì, chịu khó, tích cực phòng bệnh mà công việc chăn nuôi của gia đình anh dần dần mang lại thu nhập, đến năm 2006 đã trả hết nợ. Cũng trong năm 2006, song song với việc chăn nuôi lợn, gia đình anh Lô còn mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà. Với diện tích vườn tương đối rộng, anh ngăn làm hai khu vực, một bên nuôi gà ta, còn một bên nuôi gà công nghiệp. Để trang bị kiến thức phục vụ chăn nuôi, anh đã tự tìm tòi, học hỏi từ trong sách báo cũng như từ mọi người xung quanh. Ngoài ra, anh còn tích cực tham dự các lớp học về chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức. Qua đây, anh đã áp dụng rất thành công vào việc chăn nuôi trong gia đình mình. Hiện nay, đàn gà gia đình anh đã lên tới 500 con các loại. Bên cạnh việc bán cho tư thương, đàn gà gia đình anh còn thường xuyên là nguồn cung cấp thực phẩm cho Trung đoàn 141 đóng trên địa bàn thôn. Cùng với việc phát triển chăn nuôi lợn, gà thì từ năm 2010 đến nay, gia đình anh còn mở rộng thêm mô hình nuôi rắn, tắc kè, lươn. Anh Lô cho biết, nuôi rắn, tắc kè và lươn không yêu cầu nhiều công sức nhưng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về nó, từ chế độ ăn uống cho tới cách chăm sóc…Thiếu những cái đó thì không thể thành công được. Trong đó, rắn là vật nuôi mang lại thu nhập cao hơn cả. Năm 2011 vừa qua, anh đầu tư nuôi 30 con rắn, gồm 2 loại: Bành Cụt và Hổ Mang. Đây là 2 loại rắn có giá mà theo anh Lô thì khoảng 900 nghìn/kg. Thức ăn chính của chúng là cóc. Mỗi ngày, chúng chỉ ăn từ 2-3 lạng, ngạc nhiên hơn, hàng năm chúng chỉ ăn từ tháng 4 đến tháng 10 (âm lịch), còn lại chúng sống bằng lượng mỡ đã tích tụ được trong cơ thể, tương tự như gấu ngủ đông vậy…
Bên cạnh việc tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh Lô còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Từ 2006 đến nay, anh liên tục được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng hội nông dân thôn Phương Đông và nằm trong BCH Hội Nông dân xã Hòa Lạc. Gia đình anh liên tục từ 2006 đến nay được công nhận là gia đình văn hóa. Ông Ngô Ngọc Thuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lạc nhận xét: gia đình anh Lô là một trong những hộ không chỉ tiêu biểu về phát triển kinh tế mà còn là gia đình văn hóa tiêu biểu của xã, rất xứng đáng để các hộ khác học hỏi, noi theo…