00:00 Số lượt truy cập: 3193532

Anh Năng làm kinh tế giỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ai cũng biết đến anh Châu Văn Năng.Anh rất năng động, nhạy bén trong việc tìm ra mồ hình sản xuất, kinh doanh phù hợp cho gia đình, đáp ứng nhu cầu của thị trường.Hàng năm thu nhập của gia đình sau khi đã trừ chi phí còn lại khoảng 430 triệu đồng, trong đó thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt 315 triệu đồng và thu nhập từ dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt 115 triệu đồng.


Năm 1990, anh lập gia đình nhưng cả hai bên nội ngoại đều nghèo khó vì vậy vợ chồng anh phải đi thuê mướn ruộng để sản xuất và làm thuê để kiếm sống. Đến năm 1993, nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên đã tích lũy được một số vốn, vợ chồng anh bàn nhau mua một chiếc máy cày cũ để tuốt lúa cho diện tích ruộng sản xuất của gia đình và làm thuê cho những hộ khác. Từ đó thu nhập và tích lũy của gia đình anh tăng dần lên. Nhận thấy thời điểm này tại địa phương không có máy xay xát, bà con phải đem đi nơi khác, năm 1996 vợ chồng anh đã mạnh dạn mua máy xay xát. Nhờ có máy, gia đình anh đã chủ động hơn trong việc tiêu thụ lúa với giá cả cao và ổn định hơn.

Năm 1998, do có tích lũy nên gia đình anh đã mua thêm ruộng đất và đầu tư nuôi tôm. Thời điểm này nuôi tôm ở địa phương là giải pháp để làm giàu được nhiều người quan tâm, tuy nhiên do tiền vốn và kinh nghiệm của gia đình hạn chế, mặt khác thu nhập từ nuôi tôm không ổn định nên gia đình anh quyết định chọn đầu tư chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ. Từ đó, anh đã đầu tư mua thêm đất đai, sắm máy cày mới công suất lớn, máy làm đất… mở rộng làm dịch vụ để ổn định thu mua lúa cho máy xay xát hoạt động suốt cả vụ. Kinh tế gia đình anh cũng nhờ đó mà ngày càng khá lên.

Năm 2009, thông qua Hội Nông dân, tổ chức IDE Việt Nam đã giới thiệu triển khai xây dựng điểm mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, gia đình anh đã đăng ký tham gia làm thử và mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đối với vùng đất cát ven biển thiếu nước ngọt cho sản xuất như ở địa phương của anh. Ưu điểm của công nghệ tưới này là chi phí đầu tư thấp nhưng tiết kiệm được nhiều khoản chi phí sản xuất khác như công lao động, phân bón, thuốc trừ sâu đồng thời ổn định và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, do đó gia đình anh đã đầu tư lắp toàn bộ hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích đất sản xuất cây màu. Trong quá trình sản xuất, anh đã cải tiến việc lắp đặt hệ thống tưới để khi làm đất máy cày vẫn hoạt động được mà không cần tháo dỡ, lắp đặt lại hệ thống tưới. Từ việc ứng dụng thành công công nghệ tưới này, anh và gia đình đã giới thiệu để nhiều hộ nông dân làm theo.

Ngoài ra, anh còn ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với một số công ty, từ đó có điều kiện giúp đỡ các hộ nông dân nghèo ở địa phương bằng cách làm các dịch vụ trả chậm đến vụ thu hoạch mới trả tiền và không tính lãi, thu mua sản phẩm theo giá thỏa thuận với nông dân. Thông qua tổ chức Hội Nông dân, hàng năm gia đình anh đều nhận giúp đỡ công ăn việc làm cho từ 6 - 7 hộ nghèo tại địa phương; tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Mỗi vụ sản xuất, làm đất cho hộ nghèo và các hộ nông dân khác nợ đến vụ thanh toán từ 35 - 40 triệu đồng; bán trả chậm 7 - 10 tấn giống lúa, 10 - 12 tấn phân bón…