Đầu xuân 2002, trong dịp cùng gia đình và bạn bè đi hội chùa Hương, nhìn cảnh mọi người xúm quanh hàng rau sắng bày bán dọc đường, một mớ rau sắng chưa đầy 20 ngọn mà giá tới 3.000 đến 4.000 đồng, anh đã nảy ra ý tưởng ươm, trồng cây rau sắng trên đất vườn đồi của gia đình mình.
Trở về, ngày ngày anh len lỏi, tìm kiếm rau sắng hết rừng gần đến rừng xa trong tỉnh. Vụ đầu tiên, anh ươm tới 500 cành nhưng chỉ hơn 2 tuần là cành khô, lá héo. Thất bại nhưng anh không nản lòng, tiếp tục suy nghĩ, mày mò và lại vào rừng tìm kiếm hạt về ươm thử. Sau khi nảy mầm được 2-3 lá, cây lại héo rũ. Mở những bầu ươm, quan sát kỹ thấy rễ cây thối trước, lá héo sau, anh nghĩ: "Nếu để bầu bình thường, cây sắng không chịu nước sẽ thối rễ mà chết''. Rồi anh lại vào rừng lấy hạt ươm về thử theo phương pháp cắt đáy bầu và lần này sự kiên trì, cần mẫn của anh đã được bù đắp, vườn ươm cây sắng đã nhanh chóng đâm chồi, nảy lộc, đẻ nhánh.
Đến năm 2005, vườn rau sắng của anh Tấn đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với giá bán 100.000 đồng/kg tại vườn. Đến nay, với diện tích gần 4.000 m2 vườn đồi của gia đình anh đã có hơn 4.000 cây rau sắng. Anh cho biết: Cây sắng nảy mầm quanh năm, mùa đông thời tiết lạnh nên phát triển chậm. Vụ chính từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, từ tháng 4 đến tháng 9 vẫn thu hoạch bình thường. Vườn của gia đình, từ tháng giêng đến tháng 3, mỗi tuần thu hoạch 1 lần, mỗi lần được khoảng 15kg, bán buôn tại nhà giá 100.000 đồng/1kg. Như vậy, vườn rau sắng của anh Tấn khi vào vụ thu hoạch chính, mỗi tháng đã đem lại thu nhập khoảng 6 triệu đồng.
Đưa chúng tôi vào vườn rau sắng, anh Tấn say sưa: Cây sắng giống như cây na ưa khô thoáng. Từ khi ươm đến khi trồng đại trà không phải tưới nước và chăm bón, chỉ cần làm cỏ sạch quanh gốc là được. Khi ươm bầu phải cắt đáy để thoát nước, tuyệt đối không để bị ngập úng nước. Thời điểm ươm hạt thích hợp nhất là ngày 20/5 âm lịch, sau 3 tháng sẽ nảy mầm, đủ lá mới đem trồng. Khi thu hoạch, cũng như hái chè, búp non nên bớt lại một lá. Khi cây đã lớn dùng dây thép vít cành cho tán càng rộng thì cây càng quanh hợp tốt, nảy lộc nhiều và nhanh.
Rau sắng, một loại rau vừa lạ, vừa quý với người miền xuôi bởi đây là rau rừng, rau sạch. Dù xào hay nấu canh vẫn giữ nguyên hương vị và màu sắc. Vào vụ thu hoạch, anh Tấn không đủ hàng để bán nhiều người trong huyện còn đến gia đình anh đặt hàng để làm quà cho bạn bè từ phương xa.
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, việc mạnh dạn ươm trồng phát triển cây rau sắng của anh Trịnh Văn Tấn đã góp phần bảo tồn một loài cây bản địa quý hiếm của miền núi Hoà Bình. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để người dân trong vùng cùng ươm trồng, mở rộng diện tích cây rau sắng.