Thật ấn tượng khi được xem bản báo cáo thành tích của anh Đoàn Văn Túc (khóm 9, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tại Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV khi lợi nhuận Hợp tác xã giống thủy sản Sông Đốc do anh làm chủ nhiệm đạt trên 9 tỷ đồng/năm.
Gặp anh bên lề Hội nghị, anh đã chia sẻ về quá trình lao động nhọc nhằn để có được thành quả như ngày hôm nay. Anh kể, năm 1980, anh cùng cha mẹ rời quê hương Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào miền Nam sinh sống tại Nông trường quốc doanh Sông Đốc (hiện là thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Khi ấy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhà nghèo, đông anh em, với sự hỗ trợ kinh phí của Chi cục điều động dân cư, gia đình anh chỉ làm được một ngôi nhà nhỏ để sinh sống. Cha mẹ anh có 7 người con, trong đó có 4 lao động chính làm công nhân Nông trường, thu nhập chỉ tạm đủ ăn. Năm 1994, anh lập gia đình và ra ở riêng. Thời điểm này Nông trường có chủ trương cho mướn đất, cùng với quyết tâm không cam chịu cảnh đói nghèo, anh quyết định mướn đất Nông trường với diện tích 14 ha đầu tư nuôi trồng thủy sản nhằm đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Nhưng do thiếu vốn, vì vậy việc sửa sang cải tạo lại diện tích đất lúc ban đầu chỉ bằng sức lao động của 2 vợ chồng.
Đến đầu năm 1995, được sự giúp đỡ của Chi bộ, chính quyền, Hội Nông dân giải quyết cho anh được vay 4 triệu đồng. Có vốn vay ban đầu, anh quyết định đầu tư vào sản xuất. Qua 02 năm sản xuất có lãi, anh đã trả được nợ cho Nhà nước và quyết định nhận lại diện tích đất của Nông trường cho mướn trước đây. Nhận thức được lợi thế của vùng đất ven biển nhiều tiềm năng vừa phù hợp với nuôi trồng thủy sản và sản xuất con giống, năm 1997 anh tự bỏ tiền đi Nha Trang, Khánh Hòa tham gia khóa học về nuôi trồng thủy sản và theo học nghề sản xuất tôm, cua giống với phương thức vừa học - vừa làm. Đến năm 1999, anh quyết định nhận thêm 17 ha đất nuôi trồng thủy sản nữa. Sau khi học xong khóa học, năm 2000 anh trở về địa phương và mạnh dạn đầu tư xây dựng 4 cơ sở sản xuất tôm - cua giống, bước đầu đã đem lại thành công. Cơ sở của anh sản xuất ra con giống sạch bệnh được phòng quản lý chất lượng ngành thủy sản công nhận chất lượng cao. Bà con mua con giống thả nuôi đạt hiệu quả, nhiều hộ thả nuôi có thu nhập và trở nên khá - giàu. Diện tích thả nuôi của gia đình anh sản xuất theo mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, sản xuất có lãi gia đình quyết định nhận thêm 4 ha đất nuôi trồng thủy sản nữa. Như vậy, qua 7 năm vừa làm, vừa tích lũy, mô hình sản xuất của gia đình anh đã hình thành 35 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, được Nhà nước giao quyền sử dụng ổn định lâu dài theo Luật đất đai. Hàng năm gia đình anh thu hoạch đạt trên 650 triệu đồng, trừ chi phí quản lý 150 triệu đồng, còn lợi nhuận 500 triệu đồng. Tính trong 05 năm, thu nhập từ nuôi trồng thủy sản của gia đình anh sau khi đã trừ chi phí đạt 2 tỷ 500 triệu đồng.
Gia đình anh mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm 14 trại sản xuất tôm-cua giống, nâng tổng số đến nay là 18 trại sản xuất với 450 hồ nuôi, 3.500 con tôm, cua bố mẹ. Năm 2007, để mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao chất lượng giống thuỷ sản và xây dựng thương hiệu, anh quyết định thành lập HTX sản xuất tôm-cua giống (hiện nay là HTX giống thủy sản Sông Đốc) do anh làm chủ nhiệm HTX với 11 thành viên là anh, em trong gia đình. Lợi nhuận năm 2009 sau khi đã trừ chi phí đạt 4,5 tỷ đồng, năm 2010-2011 đạt trên 9 tỷ đồng.
Không chỉ biết làm kinh tế cho gia đình, anh còn say mê công tác xã hội. Năm 1994 anh tham gia làm đội trưởng đội sản xuất, hội viên Hội Nông dân Nông trường Sông Đốc. Sau khi có chủ trương giải thể Nông trường ghép về Thị trấn, năm 2004, anh được hội viên tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng - Chi hội Nông dân khóm 9, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nông dân Thị trấn Sông Đốc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện. Cũng trong năm 2004, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt