00:00 Số lượt truy cập: 3070547

Ảnh hưởng của El-Nino: Nhiệt độ những tháng tới nhiều khả năng sẽ cao 

Được đăng : 03/11/2016
- Những ngày vừa qua, thời tiết Hà Nội và các tỉnh miềm Bắc luôn diễn biến phức tạp. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, trong hai tháng qua, không khí lạnh hoạt động tương đối yếu và hầu như không gây ra những ảnh hưởng rõ rệt đến thời tiết nước ta, nhiệt độ đang ở mức rất cao, lượng mưa thiếu hụt khá lớn so với nhiều năm. Tuy nhiên, dự báo trong những tháng tới lượng mưa có khả năng tiếp tục ở mức thấp và ít có khả năng xảy ra mưa trái vụ.


Nhiệt độ Hà Nội cao nhất trong vòng 80 năm qua

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, do không khí lạnh hoạt động yếu nên nền nhiệt độ trong 2 tháng qua đều cao hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm (TBNN). Đặc biệt, nền nhiệt độ trung bình tháng 10 tại Hà Nội là 27,4C, cao hơn TBNN 2,8C – là mức cao lịch sử trong 80 năm qua tại Hà Nội. Những ngày đầu tháng 11, nền nhiệt độ đang ở mức rất cao, tại một số địa phương cũng có khả năng sẽ đạt mức cao trong lịch sử.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, do thiếu hụt lượng mưa nên ở khu vực Nam Trung Bộ, dòng chảy trên các sông đang ở mức thấp và thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ từ 40 – 60%. Tại Trung Bộ, sau đợt lũ đầu tháng 10, mực nước các sông ởTrung,Nam trung Bộ và Tây Nguyên xuống dần. Riêng trên các sông ở Thừa Thiên Huế và QuảngNam đã xuất hiện một đợt lũ nhỏ vào đầu tháng 11. Tại Nam Bộ, sau khi đạt đỉnh lớn nhất năm vào giữa tháng 10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống rất nhanh. Đến ngày 20 tháng 11, mực nước đầu nguồn đã xuống dưới mức TBNN cùng thời kỳ từ 10 – 14cm.

Về tổng lượng mưa, từ tháng 5 đến tháng 10 ở các nơi trên toàn quốc hầu hết đều thấp hơn so với TBNN, vùng Tây Bắc và Nam Bộ thấp hơn 5 - 10%; vùng núi phía Bắc, Đông Bắc và vùng Đồng bằng Bắc Bộ thấp hơn 10 - 20%, Trung Bộ thấp hơn 10 - 30%; Tây Nguyên lượng mưa vượt TBNN khoảng 5 – 20%. Riêng tháng 10 và 20 ngày đầu tháng 11 đều thiếu hụt nhiều so với TBNN cụ thể: ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lượng mưa thiếu hụt từ: 50 – 80 %, còn các khu vực khác từ 30 – 60%. Thậm chí một số nơi cả tháng 10 hầu như không mưa như: Phủ Liễn ( Hải Phòng ) lượng mưa tháng 10 chỉ đạt 0,3 mm (mưa tháng X ít nhất của Phủ Liễn trong chuỗi số liệu lịch sử 50 năm), Cao Bằng hụt TBNN 93%, Hưng Yên và Văn Lý hụt 90%, Quỳnh Nhai và Hải Dương hụt 86%.

Do lượng mưa ít nên mực nước các sông tiếp tục xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-70%, riêng trên sông Thao, từ biên giới Việt – Trung đến Yên Bái có lượng nước cao hơn TBNN từ 10-20%.

Hiện tại, mực nước các sông suối giảm nhanh, trên sông Hồng tại Hà Nội đang dao động ở mức 2,2 - 2,4m, thấp hơn cùng kỳ năm 2005 từ 0,6-0,8m và thấp hơn TBNN từ 1,8 đến 2,0m.

Một số hồ chứa vừa và lớn ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tây hiện có mực nước thấp, dung tích chỉ đạt 40-70% thiết kế. Tuy nhiên, cũng có một số hồ chứa thuỷ điện lớn ở Bắc Bộ đã tích đủ nước như: Mực nước hồ Hoà Bình là 116,17; hồ Thác Bà là 56,9m, tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2005.

Miền trung và Tây Nguyên có khả năng xảy ra khô hạn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, nền nhiệt độ trong các tháng tới vẫn có khả năng cao hơn so với TBNN. Đặc biệt, ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ nền nhiệt độ sẽ cao hơn nhiều so với TBNN.

Về lượng mưa, tổng lượng mưa trong các tháng tới có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN, ít có khả năng xảy ra mưa trái vụ.

Cũng trong những tháng tới, dự báo mực nước trên các sông ở Bắc Bộ có khả năng nhỏ hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 15-50%; trên các sông suối thuộc các tỉnh vùng núi Đông Bắc và Trung du Bắc Bộ có mức độ thiếu hụt nhiều hơn phía Tây Bắc và vùng núi phía Bắc. Trong điều kiện xả nước phát điện như kế hoạch của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và Thác Bà, dòng chảy hạ lưu sông Hồng có khả năng hụt mức TBNN khoảng 30-50%.

Các sông ở Trung, Nam Trung Bộ đang bước vào thời kỳ cuối của mùa mưa, lũ năm 2006 và còn có khả năng xảy ra 1 - 2 đợt lũ vừa và nhỏ. Các khu vực khác ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, dòng chảy tiếp tục giảm dần.

Đặc biệt, mùa khô từ tháng 12 năm 2006 đến tháng 5 năm 2007, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều sẽ thiếu hụt so với TBNN khoảng 20 – 40%; Các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng và xâm nhập mặn sâu vào các tháng 2 đến tháng 4/2007.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, trong vụ Đông Xuân 2006 – 2007, cần đề phòng tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng; tình trạng mặn xâm nhập sâu ở vùng cửa sông. Cần chủ động có các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước phù hợp với từng vùng, từng địa phương để tránh thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất, đối với vùng núi cần đề phòng khả năng xảy ra cháy rừng.