00:00 Số lượt truy cập: 2999252

Anh nông dân Bến Tre đam mê nuôi heo rừng 

Được đăng : 03/11/2016
Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Ri - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình Tây, chúng tôi tới cơ sở nuôi heo của anh Hai Huệ ở ấp An Thuận, xã An Bình Tây (Ba Tri - Bến Tre).

10 năm trước đây, anh từng là chủ một trang trại nuôi bò. Khi giá cả con bò thăng trầm, anh chuyển sang nuôi cá rồi chuyển qua nuôi heo rừng. Niềm đam mê và sự cần mẫn đã giúp anh thành công với đàn heo gầy dựng được cả trăm con, được Cục Kiểm lâm Bến Tre cấp giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã. Đó là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Nguyễn Quang Huệ (thường gọi Hai Huệ).
Trước khi bắt tay vào chăn nuôi heo rừng, anh đã tìm hiểu kỹ về đặc điểm của các giống heo rừng được nuôi tại Việt Nam, thăm dò các cơ sở chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam và bỏ công trồng chuối, lục bình, cỏ. Ngày 25-3-2009, anh thuê xe đến Hóc Môn (TP.HCM) mua 6 con heo cái, 1 con đực (giống Thái) với giá bình quân 300 ngàn đồng/kg đem về nuôi (con cái nặng khoảng 15 - 20kg, con đực khoảng 40 kg). Ban đầu anh thả heo cái nuôi chung trong chuồng, được xây bằng gạch (phía trên rào lưới B40), có chỗ cho chúng nằm trú nắng, mưa và có khoảng đất trống cho chúng sinh hoạt tự do. Mỗi ngày hai lần, anh Huệ cho heo ăn hai cữ sáng, chiều bằng nguồn thức ăn là chuối cây, lục bình trộn với cám hoặc rau muống, rau trai, cỏ… Khi heo đạt trọng lượng khoảng 25 kg/con thì lên giống, heo cái được tách ra chuồng riêng để chuẩn bị cho giai đoạn phối giống. Chuồng heo để nái ngăn thành ô (2,5 m x 6 m), xung quanh xây gạch, rào lưới B40, bên trong có nền xi-măng được lợp lá che nắng mưa, bên ngoài là khoảng đất trống cho heo tự do (ủi đất, nằm vũng). Anh Huệ cho biết: “Lúc heo cái mới lên giống lần đầu, mình đừng vội phối giống mà phải chờ đến lần hai để đạt hiệu quả cao”. Heo thụ thai được khoảng 110 ngày (3 tháng, 3 tuần, 3 ngày) thì đẻ con, heo con (giống Thái) lúc mới đẻ có trọng lượng từ 400 g đến 700 g/con.

Kể về đàn heo nái (6 con) lúc mới đẻ lứa đầu tiên, anh Huệ bộc bạch: “Tôi thấy vốn liếng mình bỏ ra khá nhiều, nên rất chú ý khi heo đẻ con, cứ thấp tha thấp thỏm tìm cách để hỗ trợ cho heo mẹ vì sợ heo con bị ngộp hoặc bị mẹ đè. Làm vậy chỉ thêm mệt sức, vì heo rừng rất khôn và sức đề kháng rất mạnh, heo mẹ đẻ xong tự cho con bú bình thường”. Ở lứa đẻ đầu tiên này, 6 con heo nái cho được 38 heo con, anh Huệ nuôi khoảng bốn tháng thì trọng lượng mỗi con đạt cỡ 12 - 15 kg, bán được giá 280 ngàn đồng/kg heo giống. Lứa thứ hai, heo đẻ được 49 con, đến nay, còn khoảng hơn một tháng nữa mới xuất chuồng nhưng đã có nhiều người tới xem, dọ hỏi mua heo giống (không đủ heo để bán). Anh cho biết kinh nghiệm khi chọn heo giống, cần chú ý hình dạng heo: đầu nhỏ, mỏ dài, lỗ tai nhỏ, mình thon, lưng cong, đuôi thẳng (lông đuôi dẹp), móng chân đen, xương hốc heo phải lớn.

Khảo sát vòng quanh, chúng tôi thấy khu vườn của anh Huệ (hơn 8.000 m2) được trồng nhiều cây xanh, rau củ. Khuôn viên nuôi heo rừng (khoảng 1.500 m2) được rào lưới B40 cẩn thận. Đàn heo rừng của anh gần 100 con nhưng chẳng hề bốc mùi hôi. Hai Huệ thố lộ: “Tôi cho heo ăn toàn là cây, cỏ hoặc uống thêm nước cám, nên phân và nước tiểu của chúng không bốc mùi hôi như heo thường. Hơn nữa, nhờ có hệ thống xử lý nước thải cho chảy vào một hố, thỉnh thoảng tôi dùng máy bơm nước tưới để vun phân cho cây trồng, tiện ích cả đôi đường, vừa không gây ô nhiễm, vừa tận dụng được nguồn phân bón”. Anh Nguyễn Văn Ri - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình Tây cho biết thêm: Ở xã này, anh Huệ là người rất chịu khó tìm tòi học hỏi để sản xuất luôn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tại, ngoài 6 con heo rừng nái (giống Thái) anh Huệ đã đầu tư thêm được 7 con cái sinh sản và một heo đực giống để chuẩn bị nhân giống phục vụ cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Anh cho biết: Khách hàng ở tỉnh ngoài tới mua heo giống về nuôi thả rông ở đồng cỏ, đồi núi, chỉ vài tháng sau là họ bán được heo thịt và thu lãi cao. Điều khiến cho anh Huệ vui nhất là heo rừng của anh nuôi phát triển bình thường và heo con giống được nhiều người hỏi mua. Bên cạnh đó, Hai Huệ cũng rất mong ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện giúp cho người chăn nuôi có con giống tốt để chăn nuôi được an toàn, hiệu quả hơn.