00:00 Số lượt truy cập: 3041091

Anh nông dân đi lên từ nuôi lợn hướng nạc ở Bắc Giang 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là anh nông dân Hà Văn Liên ở thôn Đông, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Trước kia cuộc sống gia đình cũng khó khăn lắm nhưng kể từ khi nuôi lợn hướng nạc kinh tế dần được cải thiện và đến nay đã khá giả, tất cả từ nuôi lợn hướng nạc mà ra - anh Liên nói.


Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nên nghề chính của vợ chồng anh Liên là trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng dù có quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà cuộc sống vẫn rất chật vật, khó khăn. Để có thêm thu nhập vợ chồng anh cũng chăn nuôi thêm gà, lợn nhưng lãi thu được thì chẳng được là bao. Thế rồi, hướng phát triển kinh tế đến với anh từ một lần được đi tham quan trang trại nuôi lợn nái hướng nạc ở Hà Tây cũ và tỉnh Quảng Ninh. Sau lần đó anh về bàn với vợ chuyển sang nuôi lợn hướng nạc vì qua thực tế tìm hiểu anh biết được đây là đối tượng nhanh lớn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi lợn bình thường. Song muốn làm được điều đó thì cần phải có vốn để mua giống và làm chuồng trại nên anh làm đơn vay Ngân hàng 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Cùng với số tiền dành dụm có được anh xây dựng thêm chuồng nuôi trên diện tích 200m2 đất vườn. Đến tháng 4 năm 2006, anh Liên xuống tận Công ty CP (Hà Tây cũ) để mua 6 con lợn nái hướng nạc về nuôi. Thời gian đầu là thời điểm khó khăn nhất của anh vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dưỡng... nhưng được sự hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông nên đàn nái phát triển khỏe mạnh và chửa đẻ những lứa đầu tiên bình thường. Một năm mỗi nái chửa đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình từ 10 - 12 con. Lợn con sau khi tách mẹ anh không bán giống mà để nuôi bán thịt. Dần có kinh nghiệm trong quá trình nuôi lại tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi của Trung tâm KNKN tỉnh, Trạm khuyến nông huyện nên anh nắm được kỹ thuật do vậy lợn ít bị bệnh, nhanh lớn. Sau khoảng 5 tháng nuôi đã được xuất bán thịt, trọng lượng đạt từ 95 - 100 kg lợn hơi. Tiền lãi thu được từ bán lợn đã giúp anh trả được nợ Ngân hàng và trang trải cho cuộc sống.

Dẫn chúng tôi thăm khu nuôi lợn anh Liên nói: Nuôi lợn hướng nạc lớn nhanh, hiệu quả cao... nhưng cũng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn so với nuôi lợn bình thường. Từ khi mới đẻ đã phải tiêm phòng đầy đủ các loại Vacxin để phòng bệnh. Hàng tuần phải phun thuốc khử trùng (khi có dịch thì phun 2 lần/tuần). Đồng thời, định kỳ mỗi tháng cần tiến hành phun thuốc khử mùi 2 lần để đảm bảo vệ sinh khu chuồng nuôi và môi trường xung quanh.

Đầu năm 2009 vừa qua, được Trung tâm KNKN tỉnh hỗ trợ 60% giá giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cám anh Liên tiếp tục đầu tư mua thêm 10 con lợn nái về nuôi. Đến nay, anh mở rộng quy mô chuồng nuôi lên khoảng 450m2, được xây dựng thành 6 chuồng to với tổng số 22 nái. Trung bình mỗi năm từ nuôi lợn hướng nạc anh bỏ ra được khoảng 100 - 120 triệu. Ngoài ra, vườn bưởi Diễn khoảng 50 gốc anh thu được trên chục triệu từ bán quả và cành chiết góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Nhờ nuôi lợn hướng nạc đã giúp vợ chồng anh phát triển kinh tế, mua sắm tiện nghi sinh hoạt (xe máy, ti vi...), chi phí cho con cái sinh hoạt... Hiện tại, anh đang xây dựng ngôi nhà 3 tầng. Mô hình nuôi lợn hướng nạc của anh đến nay đã được mọi người xung quanh học tập, mua giống về nuôi.