Là một trong 4 nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh vừa được vinh dự tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV-2012, Nguyễn Phú Cường, ở Thủy Vân (Hương Thủy) là minh chứng cho sự dám nghĩ, dám làm của thế hệ trẻ ở vùng nông thôn Thừa Thiên Huế.
Tốt nghiệp PTTH, không thi vào đại học, chàng trai trẻ Nguyễn Phú Cường chọn nghề sửa chữa điện tử làm kế sinh nhai. Miệt mài học tập, tay nghề khá vững nhưng nghề này chưa phải là “nghiệp” của anh. Trong thâm tâm, lúc nào anh cũng ấp ủ dự định một ngày nào đó sẽ làm giàu ngay chính trên quê hương mình.
Được sự gợi ý của bạn bè, người thân và trong những chuyến tham quan các mô hình làm ăn mới, hiệu quả, anh nhận thấy việc sản xuất hương thổ phù hợp với mình hơn cả. Từ đó, anh quyết tâm học nghề làm hương. Sẵn tính cần cù, thông minh, chỉ sau hai tháng, anh Cường đã thành thạo các công đoạn làm hương, từ chọn vật liệu đến se bột, phơi khô... Sau đó, anh mạnh dạn làm thử. Mẻ hương đầu tiên do anh làm thành công ngoài mong đợi. Cây hương thẳng, tròn, đẹp và có mùi thơm dìu dịu của trầm hương. Từ đó, anh chuyên tâm vào việc sản xuất hương. Bà con trong vùng có người thì ủng hộ, nhưng cũng có người ái ngại cho anh, bởi nghề này lâu nay chỉ dành cho phụ nữ. Biết vậy, anh càng quyết tâm hơn để chứng minh cho người thân, gia đình, bạn bè thấy nghề nào cũng có thể đem lại thành công cho bất kỳ ai, nếu thật sự yêu nghề và có lòng đam mê.
Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đầu tiên anh tặng cho vài người dùng thử. Khi thấy được chất lượng của sản phẩm, người này giới thiệu cho người kia, dần dần, hương thổ do anh làm rất được người dân trong vùng ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, anh bắt đầu bỏ mối ở các quầy, chợ trong tỉnh, sau đó, mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Bây giờ, sản phẩm hương thổ do anh sản xuất có mặt khắp các tỉnh từ Bắc vào
Cùng với làm hương, anh đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất, để xây dựng trang trại nuôi lợn khép kín và đào ao thả cá. Với kiến thức thu được qua các lớp tập huấn, anh áp dụng vào mô hình chăn nuôi của mình. Nhờ đó, trại chăn nuôi lợn của anh luôn sạch sẽ, thoáng mát, không gây ảnh hưởng tới môi trường, đàn lợn phát triển đều đặn. Mỗi năm đem lại doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng.
Thu nhập ổn định từ làm hương, chăn nuôi lợn... gia đình anh Cường không những có cuộc sống ổn định, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Theo Hội Nông dân tỉnh, sự thành công của Nguyễn Phú Cường ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền và hội nông dân các cấp trong việc tín chấp vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật...