00:00 Số lượt truy cập: 3083839

Ào ạt 

Được đăng : 03/11/2016
Không chỉ nông dân xã Dương Hà lâm cảnh điêu đứng mà hàng trăm hộ nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang ngồi trên đống lửa vì bị DN mua sữa nợ tiền. Họ dọa sẽ bán hết đàn bò vì đã cạn tiền để tái đầu tư nuôi đàn bò và trang trải cuộc sống. 

Đàn bò sữa xã Phù Đổng có nguy cơ bị xóa sổ nếu thời gian tới nông dân không có tiền để đầu tư

Giữa trưa nắng như thiêu, chúng tôi tới nhà anh Vũ Văn Thực – chủ xe bồn thu gom sữa xã Phù Đổng khi năm sáu nông dân nuôi bò sữa trong xã đang ngồi bệt ở đầu ngõ nhà anh đòi nợ tiền sữa. Anh Thực khổ sở trình bày: “Ước gì có chỗ độn thổ cho xong chứ tôi điên đầu hết chịu nổi. Ngày nào cũng có gần chục người đến hỏi nợ, mà toàn là bà con trong xã cả. Ban đầu họ còn nể, nhưng cứ khất lần mãi nên cuối cùng họ chẳng nể nang gì, có người mắng như tát nước vào mặt tôi cũng đành nín chịu”.

Mà không nóng mặt sao được, chị Tuyết Đông (xóm Bộ) đang ngồi thu lu ở góc nhà anh Thực, không hiểu có thêm nỗi ấm ức gì mà giọng đã nghẹn lại, nước mắt nước mũi ứa ra chực khóc thành tiếng: “Tôi kệ chú Thực! Ngày mai đến hạn trả ngân hàng rồi, lại còn tiền đóng học hè cho hai đứa nhỏ nữa. Chú làm sao thì làm, chưa có cũng phải xoay cho tôi trước một ít. Không thì tôi chẳng thiết sống nữa. Tôi bán quách bò đi cho xong. Bò với chả bê ”.

Chị Tuyết Đông chừng như uất ức quá, nói chưa hết câu đã đứng phắt dậy cắp nón ra về. Ba bốn người hàng xóm nhà chị ta cho biết hai vợ chồng với hai đứa con nhà này chỉ bám vào 2 con bò sữa. Mấy tháng nay bị nợ tiền sữa túng thiếu nên vợ chồng thường xuyên to tiếng rồi choảng nhau ầm ĩ cả xóm làng.

Túng thế mà vẫn giữ được 2 con bò như nhà chị Tuyết Đông đúng là giỏi xoay xở, chứ như nhà anh Nguyễn Đặng Luận (thôn Phù Đổng II) thì quá thảm. Bốn tháng liền bị nợ tiền sữa tới cả chục triệu bạc, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi đòi riết quá, anh đành phải nhắm mắt bán bớt đi 2 con bò sữa mất bao công chăm bẵm đúng bằng giá bò thịt. Đấy là còn may vì nhà còn trồng được gần mẫu ngô, có cái để xát ra cho bò sữa ăn mới giữ được 2 con bò.

Anh Luận thần mặt nói nửa đùa nửa thật: “Hai thằng con học lớp 12 vừa nghỉ hè mấy hôm đã đòi lên Hà Nội ôn thi ĐH. Chỗ xóm giềng với chú Thực, tôi nể lắm nhưng vì chúng nó xin tiền học dữ quá nên đành vác mặt sang hỏi xem chú có xoay được đồng nào không thì giật tạm. Tôi đang tính nếu kẹt quá, xin chú Thực làm cái giấy khất nợ bảo chúng nó đưa lên khất với thầy giáo. Không biết ý chú thế nào”.

Không chỉ có nhà anh Luận, vài tháng nay đã có hàng trăm con bò sữa xã Phù Đổng bị bán đi vì nông dân không có tiền đầu tư. Anh Luận dẫn chúng tôi xuống thôn Phù Đổng I và liệt kê hàng chục hộ bán bò: hộ anh Toàn bán 1 con, hộ ông Phúc bán 2 con, hộ anh Nghĩa bán 2 con, hộ anh Tám bán 2 con...Tóm lại hộ nào cũng bán gần một nửa số bò để trang trải nợ nần. Anh Vương Đình Tám (thôn Phù Đổng I) hiện còn bị chủ xe bồn gom sữa nợ ngót 10 triệu tiền sữa dự tính: Nhà có 5 con đã bán 2 rồi, nếu vài tháng nữa không có tiền thì tôi bán tất.

“Chúng tôi sẽ gặp nông dân để xin gia hạn nợ”- ông Vũ Quang Trung – TGĐ Cty CP Nguyễn Hồng II cho biết như vậy khi trao đổi với NNVN về phương án trả nợ cho nông dân nuôi bò tại Gia Lâm.

Vị TGĐ này cũng quả quyết rằng họ “không việc gì” phải chạy nợ. Trong trường hợp nông dân đòi nợ gay quá, họ sẽ về tận nơi gặp nông dân để bàn bạc.

Anh Thực – chủ xe bồn thu gom sữa xã Phù Đổng cho biết, theo hợp đồng trung chuyển sữa với Cty Nguyễn Hồng II, từ năm 2008 đến đầu năm 2009, mỗi ngày anh Thực đã nhập cho Cty này hơn 2 tấn sữa tươi. Từ cuối năm 2008 đến tháng 3/2009, Cty Nguyễn Hồng II liên tục khất nợ với số tiền lên tới gần 1 tỉ đồng. Mặc dù đã đòi nhiều lần nhưng hiện tại Cty này vẫn chưa có phương án hẹn nợ khiến anh Thực cũng “chết lây” với hơn 100 hộ dân nuôi bò trong xã.

Tìm hiểu về việc liệu Cty Nguyễn Hồng II có khó thật không, 2 chủ xe bồn thu gom sữa tại xã Dương Hà là anh Nguyễn Đức Dư và anh Vũ Văn Thực đều thừa nhận: Trong giai đoạn “bão Melamin” cuối năm 2008, khi nhiều DN mua sữa tươi ngãng ra ngừng nhập sữa làm nông dân lao đao thì Cty Nguyễn Hồng II  đứng ra nhập lại toàn bộ số sữa này. Anh Thực cho rằng, khả năng khó khăn của Cty này là có thật.

“Lúc khó khăn nhất họ đứng ra bao tiêu sữa cho mình để cứu nông dân. Chẳng lẽ bây giờ họ gặp khó mình lại gây khó dễ cho họ. Vì lẽ đó mà tôi vẫn phải chịu đứng ra kêu gọi bà con cho gia hạn nợ. Nhưng quả thật tình hình cũng rất gay. Nếu như có ngân hàng nào đó cho chúng tôi vay tiền để giải quyết khó khăn lúc này thì hay quá” – anh Thực có ý kiến.