00:00 Số lượt truy cập: 2637431

Áp dụng công nghệ sản xuất và chế biến nấm: Tạo lập nghề mới cho lao động nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Trong gần 8 năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã chú trọng đầu tư phát triển ngành sản xuất nấm thông qua Chương trình Nông thôn Miền núi nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và tạo nghề mới cho bà con nông thôn những lúc nông nhàn. Một loạt các dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư vào các tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đắc Lắc, Quảng Bình, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Sơn La...


Trong đó tỉnh Hà Tĩnh là một trong những tỉnh được hỗ trợ phát triển nghề sản xuất nấm thông qua dự án  "Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn - nấm dược liệu tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh". Dự án đã bắt đầu được triển khai thực hiện từ 8/2005, đến nay bước đầu có thể khẳng định được huyện đã tìm ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện và tiềm năng vùng Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Nằm bao quanh thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà có địa hình chủ yếu là đồng bằng, đồi núi và ven biển, thuận lợi cho làm thuần nông nghiệp. Đây cũng là vùng rốn của mưa bão nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có đến 35-40% lao động thất nghiệp hàng năm, nếu có việc làm thì ngày công lao động cũng ở mức thấp. Tuy nhiên, nguồn lao động dồi dào và nguồn nguyên liệu rơm rạ và phế thải nông nghiệp cũng là một thuận lợi không nhỏ để phát triển nghề nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Trước đây, một số hộ gia đình ở Thạch Hà đã nuôi trồng nấm mang tính tự phát nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây cũng là trăn trở không chỉ của người dân mà cả lãnh đạo UBND huyện Thạch Hà trong việc tạo lập một nghề mới cho vùng nông thôn huyện để có thể khai thác tốt nhất tiềm năng về điều kiện tự nhiên và con người của vùng đất này, đồng thời có khả năng mở rộng sản xuất và tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có giá trị kinh tế trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Xuất phát từ nhu cầu của địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh" do ông Đỗ Khoa Văn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà làm chủ nhiệm dự án với mục tiêu hình thành và phát triển nghề nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu từ nguyên liệu, phế liệu nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, UBND huyện Thạch Hà cũng đặt ra quyết tâm cao trong việc phát triển nghề trồng và sản xuất nấm tại huyện, sự quan tâm chỉ đạo đó được thể hiện bằng nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học huyện là 1.200 triệu đồng và thành lập Ban điều hành dự án.

Dự án đã triển khai xây dựng một cơ sở sản xuất giống nấm ở quy mô công nghiệp có công suất tối thiểu đạt 50 tấn giống/năm, bảo đảm chất lượng cung ứng đủ nhu cầu về giống cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và vùng nuôi trồng nấm trong toàn tỉnh và khu vực miền Trung và đã triển khai các mô hình sản xuất nấm tập trung và phân tán tại các xã trong huyện. Các kỹ thuật viên thuộc Trung tâm chuyển giao KH&CN huyện Thạch Hà đã được Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về quy trình công nghệ nuôi trồng, chế biến các loại nấm, những quy trình nhân giống nấm cấp I, cấp II và cấp III; công nghệ nuôi trồng, chế biến vào bảo quản các loại nấm linh chi, nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ…, xây dựng được khu lán trại tập trung rộng 500m đủ điều kiện để sản xuất nuôi trồng nấm và chuyển giao công nghệ.  Đến nay, không những cán bộ kỹ thuật, mà hầu hết người nuôi trồng nấm đã làm chủ được công nghệ nhân giống nấm cấp I, cấp II, cấp III. Quy trình công nghệ sản xuất giống nấm cũng như sản xuất nấm thương phẩm đã được áp dụng có kết quả tốt tại nhiều điểm phân tán trong nhiều địa phương của huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh. Dự án bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt với sản lượng trên 30 tấn nấm sò, 15 tấn mộc nhĩ, 8 tấn nấm linh chi…

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, quy trình công nghệ từ nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn và góp phần giải quyết vấn đồ ô nhiễm môi trường từ nguồn phế thải nông nghiệp.