00:00 Số lượt truy cập: 2662106

BIO-DECOMPOSER - PHÂN HỦY PHẾ PHẨM NÔNG NGHIỆP 

Được đăng : 03/11/2016

Công ty TNHHMTV Sinh học nông nghiệp Văn Giang, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm BIO-DECOMPOSER có tác dụng phân giải các nguyên liệu hữu cơ như rơm rạ, trấu, mùn cưa, lá cây, các phần phụ phẩm nông nghiệp, xác động vật, phân động vật, rác… tại chỗ hoặc đánh đống ủ nhờ quá trình cho lên men tích cực để tạo thành phân hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao cho cây.




Hiện
cả nước ta có khoảng 7,5 triệu ha diện tích gieo trồng lúa, 1,1 triệu ha ngô, 498 ngàn ha sắn, 210 ngàn ha lạc, 173 ngàn ha đậu tương, 269 ngàn ha mía, 150,8 ngàn ha khoai lang.Với diện tích trồng trọt hiện tại, kết quả ước tính lượng phế phụ phẩm từ trồng trọt của Viện Môi trường Nông nghiệp (2010) đã cho thấy có khoảng 61,43 triệu tấn phế phụ phẩm (gồm 39,9 triệu tấn rơm rạ, 7,99 triệu tấn trấu, 4,45 triệu tấn bã mía, 1,2 triệu tấn thân lá mía, 4,43 triệu tấn thân lõi ngô). Lượng phế phụ phẩm sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do quá trình phân hủy, sử dụng sai mục đích hoặc đốt rơm rạ tràn lan khi vệ sinh đồng ruộng, làm ô nhiễm nặng môi trường do thải CO2 và CO cũng như giảm tầm nhìn ở những vùng đốt rơm rạ nhiều như các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và ngoại thành Hà Nội.

Ở nước ta, công nghệ sản xuất nấm được phát triển từ năm 1990 đã giải quyết được số lượng lớn lao động nông nhàn tại địa phương, tận dụng được nguồn nguyên liệu sau thu hoạch của sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nấm ăn sử dụng một lượng lớn nguyên liệu hữu cơ và thải ra một lượng phế thải khổng lồ sau khi thu hoạch nấm (để có 1 kg nấm tươi cần sử dụng 7-15 kg nguyên liệu), nếu không được quản lý đồng bộ, lượng phế thải này chính là nguy cơ tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

Chế phẩm BIO-DECOMPOSER với thành phần gồm 14 chủng vi sinh phân giải các phế phụ phẩm nông nghiệp, các nguyên liệu hữu cơ thành phân hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao cho cây.

Hướng dẫn sử dụng:

* Đối với rơm rạ trên đồng ruộng (phun trực tiếp):

Bước 1: Chuẩn bị và phun chế phẩm

Hòa tan 200ml chế phẩm vào bình phun (16-18 lít) phun đều trên gốc rạ, cho 1 sào Bắc Bộ (360m2)

Bước 2: Cày vùi rơm rạ

Sau khi phun chế phẩm xong, cho máy cày vào cày lật gốc rạ, đảm bảo cho rơm rạ được cày vùi kỹ vào đất. Sau đó, cho nước vào ruộng ngập khoảng 1- 5cm và dùng máy xới tay trục và trạc lại cho bằng phẳng

Bước 3: Hoàn tất quá trình

Sau đó, để ruộng trống 7-10 ngày rồi cho nước vào sạ lúa bình thường cho vụ mùa kế tiếp.

* Ủ phân theo đống:

1. Lớp thứ nhất: lần lượt dải các chất thải thực vật (rơm, rạ,..) đã được làm ẩm (khoảng 250kg); sau đó phủ khoảng 50kg phân động vật, 250g đạm ure, 250g vôi, sau đó phun 50 ml chế phẩm AT Bio-decomposer (pha 50ml/5lít nước).

2. Lớp thứ 2: tương tự lấp thứ nhất lần lượt dải các chất thải thực vật (rơm, rạ,..) đã được làm ẩm (khoảng 250kg); sau đó phủ khoảng 50kg phân động vật, 250g đạm ure, 250g vôi, sau đó phun 50ml chế phẩm AT Bio-decomposer (pha 50ml/5lít nước).

Tương tự như vậy tạo đống ủ thành 4 lớp chồng lên nhau, sau đó giữ ẩm và kiểm tra để duy trì độ ẩm ở mức 70-80%. Sau 30 đến 60 ngày (phụ thuộc vào loại nguyên liệu ủ) có thể thu sản phẩm phân ủ. Đây cũng là hình thức dùng để tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại chỗ phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Để được hướng dẫn thêm về quy trình sử dụng chế phẩm, độc giả có thể liên hệ với Công ty TNHHMTV Sinh học nông nghiệp Văn Giang, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.

Địa chỉ: Km 2, đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội;

Điện thoại: 04.374.81174; 0989323290, 0979906868./.