Bà Năm cho biết, đất đai nơi đây vô cùng trù phú, màu mỡ, rất thuận lợi cho việc khai hoang để trồng lúa nước. Thế nhưng, người dân chỉ quen làm lúa rẫy, trồng bắp. Do đó, nhiều cánh rừng đã bị chặt phá để trồng lúa, trỉa ngô. Cuộc sống rất vất vả, cơ cực do năng suất cây trồng thấp, nguồn lương thực thiếu thốn, trong khi đó, rừng bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Trước thực trạng đó, bà Năm bàn với gia đình chuyển sang làm lúa nước.
Năm 2001, bà cùng chồng đi khảo sát rồi khoanh vùng khai hoang tại khu vực Ná Lầu cách nhà 3km. Bước đầu bà gặp không ít khó khăn, phần vì tư liệu sản xuất thiếu, rừng và khe suối chằng chịt những cây lau lách và cỏ dại um tùm. Nhưng với đức tính kiên trì và nhẫn nại, bà đã xác định khó thì làm ít, dễ thì làm nhiều, không làm thì không có. Bà cho biết, mỗi ngày vợ chồng bà chỉ làm 30m2 nhưng làm đến đâu là hoàn thiện đến đó. Đến nay, bà đã có 1,4ha ruộng lúa nước 2 vụ bằng giống mới năng suất cao, 2ha quế, 150 cây ăn quả các loại, 2 ao cá có diện tích 800m2, trong chuồng lúc nào cũng có hơn trăm con gà, vịt bầu, 7 con trâu, 10 con lợn các loại. Từ năm 2001 đến nay, tổng thu nhập của gia đình bà đạt 35-40 triệu đồng/năm.
Tâm sự với chúng tôi, bà Vi Thị Tuyệt, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Diên Lãm cho biết: “Bà Năm không những là người làm kinh tế giỏi mà còn rất mẫu mực trong công tác xây dựng tổ chức hội và cảm hoá giáo dục người lầm lỗi, giúp họ trở về hoà nhập với cộng đồng, làm ăn lương thiện”.
Từ mô hình trồng lúa nước của bà Năm, bà con dân bản nơi đây đã học hỏi cách làm ăn theo cung cách mới. Hiện nay, ở xã Diên Lãm không còn tình trạng chặt, phá rừng, người dân trở về với đồng quê cùng nhau thâm canh cây lúa nước và nhiều gia đình đã thoát nghèo.