Thời gian qua, nhiều người dân ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp không khỏi ngạc nhiên và cảm phục dì Tư Nguyệt (Trịnh Thị Nguyệt) với mô hình nuôi và cho cua đinh đẻ nhân tạo rất thành công.
Ở cái tuổi 55, nhưng trông dì Tư già đi rất nhiều bởi gánh chịu biết bao nhiêu thăng trầm, mưa nắng. Từ làm mướn làm thuê, đến làm ruộng, trồng màu nhưng cuộc sống vẫn túng quẫn không đủ tiền trang trải gia đình. 10 năm về trước, khi thấy mô hình nuôi ba ba bắt đầu rộ lên, dì Tư mua 100 con giống với giá 20.000 đ/con về nuôi nhưng cuối vụ bị hao hụt còn được 30 con, sau khi tuyển chọn những con đực, con không đạt chuẩn bán chỉ còn được 15 con bố mẹ. Cũng từ số này mà dì Tư Nguyệt đã nhân rộng tổng đàn đến nay có trên 1.000 con ba ba bố mẹ chuyên đẻ trứng để làm giống xuất đi các tỉnh trong khu vực với khoảng 200.000 con giống mỗi năm. Hiện nay giá ba ba giống từ 2.000-7.000 đ/con tùy theo kích cỡ lớn nhỏ, trung bình mỗi tháng thu về trên 30 triệu đồng từ tiền bán con giống.
Đến năm 2004, dì Tư Nguyệt được người anh ở TP.HCM chuyển giao 100 con cua đinh bố mẹ để về nghiên cứu cho đẻ. Như bắt được vàng, dì Tư về đầu tư xây dựng hàng chục bể nuôi, nhưng kinh nghiệm để cua đinh nở đạt thì rất mông lung vì chưa nắm bắt kỹ thuật. Năm đầu tiên với gần 300 trứng ấp chỉ nở được 20 con cua đinh giống, đến năm 2005, cua đinh đẻ được trên 600 trứng nhưng nở được 170 con và năm nay, đến thời điểm này cũng được trên 500 con cua đinh giống. Dì Tư cho biết, cua đinh cũng cùng họ với ba ba nhưng để cua đinh đẻ thành công thì không phải ai cũng làm được. Theo dì Tư Nguyệt, cái khó nhất là khi trứng đẻ ra đem vào ấp phải để đúng chiều, đúng hướng không được xáo trộn như trứng ba ba hay các loài trứng khác. Đặc biệt, do thời gian ấp trứng dài ngày (100 ngày) nên ẩm độ phải thích hợp thì tỷ lệ nở mới cao.
Nhờ tính kiên trì chịu khó học hỏi, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm mà giờ đây dì Tư Nguyệt đã có trong tay trên 1.500 con cua đinh lớn nhỏ. Trong đó, có 290 con bắt đầu sinh sản, 150 con được 2 năm tuổi, 500 con có trọng lượng từ 0,7-1,5 kg/con và trên 500 con khác mới sinh sản từ những tháng trước. Dì Tư cho biết, cua đinh cũng là loài dễ nuôi, thức ăn từ cua, ốc sống nên cũng rất dễ tìm kiếm, nhẹ chi phí. Nếu so với ba ba thì giá cua đinh thịt rất ổn định luôn ở mức trên 400.000 đ/kg nhưng cũng không có sản phẩm để giao. Mới đây, dì Tư Nguyệt cũng thu về gần 150 triệu đồng tiền cua đinh thịt với giá bán là 420.000 đ/kg loại 1 và 380.000 đ/kg loại 2 về TP.HCM tiêu thụ. Hiện tại, những con cua đinh lớn đã có trọng lượng gần 20 kg/con, nhưng dì Tư Nguyệt vẫn chưa chịu xuất bán vì chúng còn đẻ rất tốt. Dì Tư cho biết, khác với ba ba, cua đinh càng lớn bán giá càng thấp do giá cả cao người mua ngán ngại. Tốt nhất nên bán cua đinh có trọng lượng từ 2,5-4 kg/con và thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6 để được giá. Qua thực tế thả nuôi, trọng lượng cua đinh trong năm đầu chỉ đạt khoảng 0,7-0,8 kg/con, nhưng năm thứ 2 sẽ đạt khoảng 2 kg/con và năm thứ 3 khả năng lên 4 kg/con thì xuất bán được hoặc nuôi sinh sản.
Hiện tại, trang trại của dì Tư Nguyệt có khoảng 50 bể nuôi và 4 hầm chứa cua đinh và ba ba lớn nhỏ với diện tích khoảng 5.000 m2 đất, với vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng. Nhưng hiện tại cua đang lớn dần, sau vụ cua đinh sinh sản gia đình sẽ đầu tư xây dựng thêm khoảng 30 bể nuôi nữa để phục vụ cho việc nuôi cua đinh thịt và ương nuôi con giống. Dì Tư còn cho biết thêm, mặc dù đã qua 4 năm kinh nghiệm nhưng trứng đưa vào ấp chỉ nở khoảng 60% và tỷ lệ con sống đạt đến 95%. Một phần do thời gian ấp kéo dài nên ẩm độ không đảm bảo, dễ làm trứng bị ung, không mang lại kết quả. Hiện tại, gia đình đang đầu tư cải tạo lại mô hình để nâng tỷ lệ ấp nở con giống đạt kết quả cao nhất.
Với số lượng cua đinh hiện nay, dì Tư Nguyệt đã có trong tay bạc tỉ đồng, chưa kể đến tiền bán ba ba giống và bố mẹ. Mặc dù, thời gian qua đã có nhiều người liên hệ đặt mua con giống, nhưng dì Tư chưa chịu xuất bán. Và dì Tư còn cho biết đợi đến khi có được 1.000 con bố mẹ mới bán con giống. Mới đây, ngành nông nghiệp của Sóc Trăng cũng đã đến tham quan và nhận đặt mua con giống, nhưng dì Tư Nguyệt cũng chưa đồng ý bán vì số lượng con giống có hạn.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang, Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết: “Đây là mô hình cua đinh đẻ duy nhất trong tỉnh Hậu Giang. Một số tỉnh đã có cho cua đinh đẻ, nhưng số lượng rất ít và tỷ lệ thành công rất thấp. Hiện tại, chi cục đang tiếp tục theo dõi và tiến hành cấp giấy chứng nhận cho hộ dì Tư Nguyệt để đủ điều kiện chứng minh nguồn gốc khi xuất bán ra thị trường. Đây là loài động vật hoang dã dù không thuộc dạng quý hiếm, nhưng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nếu mô hình này thành công, về phía ngành sẽ tổ chức nhân rộng để vừa bảo tồn loài, vừa giúp nông dân tăng thu nhập”.