00:00 Số lượt truy cập: 3079336

“Bà mụ” của một số loài cá biển 

Được đăng : 03/11/2016
Tuy không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học ở góc độ chuyên sâu, nhưng từ những kinh nghiệm thực tế, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, chị Lê Thị Như Phượng - Phó Giám đốc Công ty Thủy sản Hoằng Ký đã cho sinh sản nhân tạo, sản xuất thành công 9 loài cá biển có giá trị kinh tế cao, được người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong và ngoài tỉnh đón nhận. Ghi nhận những đóng góp này, chị Lê Thị Như Phượng vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.



Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang), chị Lê Thị Như Phượng được nhận vào làm việc tại Công ty Thủy sản Hoằng Ký (Phước Long - Nha Trang) với cương vị là kỹ thuật viên. Thời gian này, việc sản xuất giống cá biển và nuôi hải sản xuất khẩu (chủ yếu là cá chẻm) của Công ty Thủy sản Hoằng Ký hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ của một công ty khác ở Đài Loan nên tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Vào những năm 1998 - 2000, ngoài tôm sú, tôm hùm lồng, ốc hương và một số loài nhuyễn thể khác, người NTTS ở Khánh Hòa bắt đầu manh nha nuôi thử nghiệm một số loài cá biển như: cá mú, cá hồng… Tuy nhiên, do nguồn con giống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên nên số lượng, chất lượng nuôi không ổn định, đầu vào luôn khan hiếm. Cùng lúc đó, việc hợp tác giữa Công ty Thủy sản Hoằng Ký và doanh nghiệp Đài Loan bị đình trệ, vì đơn vị kia làm ăn không mấy hiệu quả. Qua tìm hiểu thực tế, đánh giá điều kiện nuôi, nhu cầu thị trường tiêu thụ, chị Phượng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sản xuất giống cá biển bằng phương pháp sinh sản nhân tạo; trong đó, chị là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, điều hành từng công đoạn sản xuất. Khi được Ban Giám đốc Công ty chấp nhận, bằng những kinh nghiệm thực tế, áp dụng những kiến thức học ở nhà trường, sau gần 1 năm mày mò nghiên cứu, chị Phượng đã thành công bước đầu khi cho sinh sản nhân tạo đối tượng nuôi là cá chẻm mõm nhọn. Tuy nhiên, đối tượng cá chẻm mõm nhọn khi đưa vào nuôi thương phẩm đã không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn nên Công ty không nhân rộng mô hình này.

Thời gian này, việc cho sinh sản nhân tạo cá biển là một vấn đề rất khó trong lĩnh vực NTTS. Hầu hết các loài cá mú, cá bớp, cá chẻm, cá hồng… bố mẹ đều phải tuyển chọn từ đánh bắt tự nhiên; thời gian nuôi thành thục phải đến 3 năm mới có thể đưa vào sản xuất giống nhân tạo nên hầu như lợi nhuận của Công ty dừng lại ở con số không. Khó khăn không dừng lại ở đó, các khâu kỹ thuật như: Kích thích đẻ trứng, thụ tinh, chuyển đổi giới tính, chăm sóc ấu trùng… trong NTTS ở nước ta chưa được chuyên môn hóa từng giai đoạn nên việc sản xuất được giống, chuyển nuôi thương phẩm đòi hỏi phải tốn khá nhiều thời gian, công sức. Không quản ngại khó khăn, sau hơn 10 năm nghiên cứu, rút kinh nghiệm thực tiễn, học hỏi và trao đổi thêm kiến thức từ các thầy cô đang dạy ở Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu NTTS III, chị Phượng đã thành công và hoàn thiện quy trình sản xuất sinh sản nhân tạo 9 loài cá biển. Trong đó, nhiều loài như: cá bớp, cá chẻm, cá mú cọp, cá mú nghệ, cá mú chuột, cá mú đỏ, cá mú hoa nâu… được người NTTS trong cả nước ghi nhận là những loài nuôi có giá trị kinh tế và đạt hiệu quả cao, đặc biệt là xuất khẩu. Ngoài thành công trong phương pháp chuyển đổi giới tính các loài cá mú, kỹ thuật sinh sản bằng kích thích dục tố, kích thích cá đẻ trứng, ấp trứng, ương nuôi ấu trùng…, trong quá trình nuôi, chị Phượng đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần về mật độ ương, loại thức ăn, liều lượng thức ăn, cách chăm sóc… Trên cơ sở đó, chị chọn ra được phương pháp, quy trình nuôi phù hợp cho từng đối tượng.

Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại, khu sản xuất giống, chị Phượng cho biết: Đến thời điểm này, tuy đã hoàn toàn chủ động công nghệ sản xuất giống nhân tạo 9 loài cá biển, nhưng do nhu cầu của người nuôi còn hạn chế, đối tượng sản xuất chính của Công ty chủ yếu là các loài cá mú và cá bớp; mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1 triệu con giống, kích cỡ từ 8 - 15cm, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm cho lai tạo giữa 2 loài cá mú cọp và cá mú nghệ để tạo ra dòng cá mú mới. Bởi 2 loài này về mặt di truyền chúng cùng giống, hình thái có những điểm tương đồng; trong đó, cá mú nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh (5 - 7kg/24 tháng nuôi), cá mú cọp (0,4 - 0,6kg/14 tháng). Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất giống của dòng con lai, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm các cặp con lai khác, nhằm tạo ra một dòng cá mới có năng suất, tốc độ tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.

Trong chiến lược phát triển NTTS ở Khánh Hòa, bên cạnh đẩy mạnh các nghề nuôi ven bờ, nuôi cá biển được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, theo hướng lâu dài với quy mô bền vững. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải hiện nay, chúng ta chưa chủ động được con giống, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên sản lượng thủy hải sản nuôi biển đạt thấp, chưa xứng với tiềm năng. Việc Công ty Thủy sản Hoằng Ký sản xuất thành công nhiều loài cá biển sẽ tạo điều kiện cho người NTTS đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho một bộ phận cư dân ở vùng ven biển.