00:00 Số lượt truy cập: 2662582

Bắc Giang: Hiệu quả bước đầu phong trào nuôi con đặc sản ở Nghĩa Trung 

Được đăng : 03/11/2016

Khi nói đến xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên) mọi người nghĩ ngay đến thế mạnh về phong trào nuôi trồng thủy sản rất phát triển theo hướng thâm canh và bán thâm canh. Bởi nơi đây là một trong những địa phương đạt năng suất và sản lượng cá hàng năm đứng đầu của huyện. Nhờ có thủy sản mà đời sống của người dân Nghĩa Trung ngày càng no ấm và phát triển.


Ngoài thế mạnh về nuôi trồng thủy sản thì một vài năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi con đặc sản trong xã cũng khá phát triển. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mua con giống về nuôi, nhân đàn thành công và đã có thu nhập đáng kể. Tính đến nay, toàn xã có khoảng 20 hộ dân tham gia chăn nuôi con đặc sản, những mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và được nhiều người biết tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Đây là một trong những điều kiện để phong trào nuôi con đặc sản ở Nghĩa Trung ngày càng phát triển hơn nữa, từ đó góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân trong xã.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (thôn Tĩnh Lộc) với trang trại tổng hợp nuôi con đặc sản gồm: Nhím, Ba ba, Hươu. Qua trò chuyện được biết, ban đầu gia đình ông chỉ nuôi Ba ba để bán giống và vài con Hươu để lấy nhung. Không dừng lại ở đó, về sau qua đi tham quan ông thấy nuôi Nhím cho hiệu quả kinh tế tương đối cao mà kỹ thuật chăn nuôi cũng không quá phức tạp. Vì vậy, năm 2009, ông Xuân quyết định đầu tư mua thêm Nhím giống về nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi con vật mới này nên ông cũng gặp khó khăn về chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy khó nhưng không nản lòng, ông Xuân luôn suy nghĩ, học tập trong quá trình chăn nuôi qua chú ý quan sát, tìm hiểu thói quen ăn, nghỉ… của Nhím mà ông biết được đặc tính để từ đó có kinh nghiệm hơn về phương pháp chăm sóc cho phù hợp nhất giúp chúng lớn nhanh. Do vậy, từ khi bắt đầu nuôi đến bây giờ Nhím hầu như chưa thấy bị bệnh.

Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi Nhím ông Xuân cho biết: Nhím là động vật rất ít bị bệnh, yêu cầu về thức ăn tương đối đơn giản có thể tận dụng các sản phẩm từ nông nghiệp làm ra đều được gồm rau, củ, quả… các loại. Những thức ăn này cho Nhím ăn trực tiếp do vậy giảm được công chế biến nên giảm được chi phí thức ăn và chi phí nhân công. Ông Xuân còn khẳng định: “Nuôi Nhím nhàn hơn so với nuôi những con vật khác mà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”. Sau 3 năm nuôi, đến nay gia đình ông đã nhân đàn thành công, xây dựng được hệ thống gồm 9 chuồng nuôi với tổng số trên 20 con Nhím, trong đó có 18 con Nhím bố mẹ (10 con nhím cái sinh sản), mỗi chuồng được bố trí từ 2-3 con Nhím. Năm 2010, ngoài số Nhím để lại làm giống sinh sản gia đình ông còn xuất bán được 2 cặp Nhím giống với giá trên chục triệu đồng một cặp. Theo ước tính, mỗi năm gia đình ông thu vài chục triệu từ mô hình trang trại tổng hợp nuôi con đặc sản.

Đối với đầu ra cho con đặc sản nói chung và con Nhím nói riêng thì ông Xuân lạc quan cho biết: Vấn đề đầu ra cho con đặc sản từ trước đến nay gia đình tự tiêu thụ nhưng không gặp khó khăn gì. Riêng với con Nhím thì không có giống để tiêu thụ. Khi được hỏi nếu có nhiều hộ dân tham gia phong trào nuôi Nhím thì ông có lo lắng gì không? Ông xuân cho rằng để phong trào nuôi con đặc sản trong xã phát triển thì việc có nhiều hộ tham gia nuôi là rất tốt vì từ đó có thể thành lập hội chăn nuôi con đặc sản để mọi người giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm của nhau. Thông qua đó tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Chia tay với ông Xuân, chúng tôi đến thăm gia đình ông Tô Văn Tuyến ở cùng thôn, khác với ông Xuân gia đình ông Tuyến chỉ tập trung vào chăn nuôi con đặc sản đó là lợn rừng. Nuôi lợn rừng tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, lợn ăn ít do vậy chi phí cho quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với nuôi lợn thông thường- ông Tuyến cho biết. Năm 1995, gia đình ông Tuyến nhận đấu thầu diện tích đồi bỏ hoang của thôn để cải tạo phát triển thành trang trại nuôi cá, vườn đồi cây ăn quả với tổng diện tích gần 3 ha (trong đó gồm 2 ha đất vườn đồi, 1 ha ao nuôi cá).

Xuất phát từ một lần đi tham quan mô hình chăn nuôi lợn rừng mà ông Tuyến nảy ra ý định sẽ đưa con lợn rừng vào nuôi để phát triển kinh tế. Bởi ông thấy đây là loài vật chi phí thức ăn ít, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Sẵn có lợi thế về diện tích vườn đồi, năm 2010, để thực hiện ý định của mình ông xuống Sóc Sơn mua 4 con lợn rừng nái với giá 10 triệu đồng/con và 2 con lợn đực giá 150.000 đ/kg về chăn nuôi. Sau hơn một năm, đàn lợn nái sinh sản được 4 lứa và đã cho xuất bán. Ông Tuyến cho biết: Khối lượng lợn xuất bán tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng theo mức giá của thị trường ở từng thời điểm. Hiện tại, trang trại của gia đình ông có trên 20 con lợn rừng và theo ông Tuyến thì trong những năm tiếp theo ngoài việc xuất bán lợn gia đình sẽ nhân đàn để từng bước mở rộng quy mô.

Ông Đỗ Văn Hùng- Phó chủ tịch xã Nghĩa Trung cho biết: Nghĩa Trung là một xã thuần nông, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi. Từ năm 2005, được sự quan tâm của các cấp chính quyền phong trào nuôi cá mới được phát triển mạnh và trở thành thế mạnh của địa phương. Những năm gần đây, phong trào nuôi con đặc sản trong xã đã được nhiều người dân mạnh dạn đưa vào chăn nuôi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi con đặc sản xã sẽ tổ chức tham quan, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả của mô hình nuôi con đặc sản hiện nay, đồng thời đề ra định hướng phát triển mở rộng trong thời gian tới. Mặt khác xã sẽ phối hợp với Trạm khuyến nông, Trạm Thú y huyện để tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong xã. Đồng thời, đề nghị với các cấp các ngành của huyện, tỉnh cần có định hướng và chính sách về phát triển nuôi con đặc sản.