UBND tỉnh Bắc Giang ký kết Biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm vải thiều  với 2 Công ty nước ngoài. Ảnh: TH.

Tại buổi ký kết Biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm vải thiều, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đã thông báo với các khách hàng nước ngoài về tình hình, kết quả sản xuất vải thiều của địa phương những năm qua và năm 2016.

Bắc Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước. Diện tích đến năm nay là trên 30.000ha; với sản lượng khoảng từ 130.000 tấn đến 150.000 tấn, trong đó vải sớm 23.000 tấn, vải chính vụ trên 110.000 tấn. Chất lượng vải thiều cao hơn các năm trước; riêng huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 18 Mã vùng sản xuất vải thiều sạch với  218 ha của 327 hộ gia đình, cho sản lượng trên 1.000 tấn phục vụ xuất khẩu sang các thị trường mới. Một số khách hàng nước ngoài khi đến khảo sát đều đã đánh giá  cao chất lượng vải thiều của Bắc Giang.

Về tiêu thụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu là thị trường trong nước khoảng 60%; xuất khẩu 40%, ngoài thị trường Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc xuất vải thiều sang các thị trường mới, như: Australia, Malaysia, Mỹ, Nhật,… Mùa thu hái, tiêu thụ vải thiều từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, với giá có lúc lên cao đến 40.000đồng/kg. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 30.000 tấn; xuất sang Trung Quốc khoảng trên 10.000 tấn; đang có một số lô hàng vải thiều xuất sang các nước khác.

Cũng tại buổi ký kết, các công ty nước ngoài đã thông báo với tỉnh Bắc Giang về khả năng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, vải thiều nói riêng và tiềm năng tiêu thụ vải thiều trên thế giới ở hàng trăm quốc gia các công ty này có chi nhánh.

Theo ông Tổng giám đốc Công ty SuPrene Freth Farm (Malaysia): Thị trường Malaysia đánh giá cao chất lượng vải thiều Bắc Giang. Malaysia có nhu cầu lớn về vải thiều, là thị trường tiềm năng về tiêu thụ vải thiều nếu chất lượng quả vải được bảo đảm. Hiện đã có 10 tấn vải thiều đang từ Việt Nam sang Malaysia.

Công ty Mondeoc o­nn (Austraylia) là một tập đoàn lớn có nhiều chi nhánh trên thế giới về tiêu thụ hàng nông sản. Lãnh đạo công ty này cũng ca ngợi chất lượng vải thiều của Việt Nam, cho rằng vải thiều Việt Nam thơm, ngon, có nhiều dinh dưỡng hơn vải thiều của các nước trong khu vực. Việt Nam cần bảo đảm chất lượng quả vải theo các công nghệ sản xuất vải sạch; cần xây dựng và giữ thương hiệu quả vải. Nếu bảo đảm được các tiêu chuẩn quy định thì thế giới và người châu Âu "sẽ trả thêm tiền để ăn quả vải thiều Việt Nam"./.      

Thái Hòa