00:00 Số lượt truy cập: 2993804

Bắc Giang: Thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp 

Được đăng : 03/11/2016

Phong trào dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao như một luồng sinh khí mới, tiếp thêm sức mạnh cho anh Phạm Đức Đại thôn Trung tâm xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa- Bắc giang) làm kinh tế giỏi. Đây cũng là cơ hội để anh thực hiện được ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.



Hết thời gian trong quân ngũ, năm 1988 anh Phạm Đức Đại đã chuyển sang ngành cơ khí. Gần 20 năm công tác, giờ đây các con khôn lớn học hành tốn kém, lương thấp không thể trang trải nổi. Đúng vào thời điểm này, Đảng ta có chủ trương mới, đó là: Thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nhiều cánh đồng cho thu nhập cao. Anh Đại đã “liều” một phen, bất chấp sự can ngăn của vợ con, gia đình, người thân, xin ra khỏi ngành về quê bắt tay với cuộc sống mới. Thực ra, trước đó anh đã vạch ra cho mình một ý tưởng làm giàu từ mô hình chăn nuôi.


Anh đã thuyết phục bạn bè, người thân cho vay vốn cộng với số vốn vay của ngân hàng. Năm 2005 người đầu tiên của địa phương ký thực hiện công tác dồn điền đổi thửa chính là anh, ngoài số ruộng hiện có của gia đình, vợ chồng anh còn thầu thêm 2,4 ha của thôn, quy hoạch thành khu nuôi trồng thuỷ sản cách xa khu dân cư 700m. Bao nhiêu vốn liếng vay được, người nông dân này dồn hết để quy hoạch lại thành một trang trại tổng hợp, ban đầu là trên 400 triệu đồng.


Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trang trại của vợ chồng anh luôn duy trì 1500 con gà đẻ trứng, gần 100 con lợn thịt và lợn nái vừa tận dụng nguồn phân làm thức ăn cho cá, vừa cung cấp giống cho thị trường. Như vậy anh đã tiết kiệm được khoảng 50% chi phí thức ăn cho cá.


Anh Đại cho biết: “Năm 2006, khi có dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, trang trại của tôi đã phải tiêu huỷ 1200 con vịt thịt, 650 con vịt đẻ trứng, 30 con lợn và hàng trăm con gà. Vợ chồng mất ăn mất ngủ hàng tháng trời, tưởng chừng phải rời quê trốn nợ. Nhưng tôi lại nhớ ra câu tục ngữ “thất bại là mẹ của thành công”. Nhờ vậy tôi lại tiếp tục nhờ bạn bè, anh em giúp đỡ để làm lại từ đầu”.


Giờ đây anh Phạm Đức Đại đã thực sự thành công với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của mình. Năm nay gia đình anh cũng thu khoảng trên dưới 600 triệu đồng, trừ chi phí các loại cũng được lãi hơn một nửa.


Là người tiên phong đi đầu trong phong trào đồn điền đổi thửa, anh Đại còn truyền đạt kinh nghiệm và cung cấp giống, vốn giúp đỡ 35 hộ dân của địa phương thực hiện thành công theo mô hình này. Không chỉ có vậy, anh còn vận động được gần 30 hội viên tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, với mục tiêu của HTX là giúp đỡ nhau về giống, vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm và động viên nhau những lúc ốm đau hoạn nạn.


Anh Đại còn cho biết thêm: “Hiện trang trại của gia đình tôi đã có thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng, thường thì dân buôn ở khắp các tỉnh thành phía Bắc đến đặt hàng, nhiều khi sản phẩm chăn nuôi của gia đình không đủ tôi lại huy động gom hàng của các xã viên trong HTX. Nhờ vậy mà việc chăn nuôi sản xuất của HTX ngày càng phát triển và hầu hết hội viên đều có cuộc sống khá giả”.