Không có dịch bệnh lớn xảy ra nhưng năm 2008 là năm đầy khó khăn với ngành chăn nuôi của tỉnh Bắc Ninh bởi giá thức ăn tăng cao; rét đậm, rét hại kéo dài; Chính phủ hạ thấp thuế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Song bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành và mỗi địa phương, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn năng động và bứt phá để chuyển dịch đúng hướng, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá.
Đầu năm rét đậm, rét hại với cường độ mạnh kéo dài ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi, đặc biệt gia súc, gia cầm nhỏ. Giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và chi phí khác cho chăn nuôi liên tục tăng, trong đó đáng chú ý giá thức ăn hỗ hợp cho lợn thịt tăng 66%, thức ăn hỗn hợp cho gà thịt tăng 57%, thuốc thú y tăng 25- 30% so cùng kỳ năm 2007, ảnh hưởng đến việc đầu tư,mở rộng sản xuất của người chăn nuôi. Trong khi đó, từ đầu tháng 7 đến nay, giá thịt lợn, thịt và trứng gia cầm đang có xu hướng giảm làm cho người chăn nuôi không có lãi thậm trí lỗ vốn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi nhưng kết quả đạt được đã khẳng định sự cố gắng của người dân và thế đứng vững vàng của ngành chăn nuôi. Tổng đàn lợn 408.150 con, tăng 6%, sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 53.688 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm 2007. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh giai đoạn 2006- 2010; Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt Việt Nam của Bộ Nông nghiệp- PTNT, số lượng, chất lượng đàn bò từng bước nâng lên với tổng đàn bò hiện có 60.210 con, tương đương cùng kỳ năm 2007, trong đó tỷ lệ bò lai Zêbu đạt 82%.
Đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững được đề ra trong bối cảnh chăn nuôi cả nước nói chung, Bắc Ninh nói riêng còn đối mặt với bộn bề gian khó trong đó quy mô nhỏ lẻ, bất cập trong khâu giống... là “rào cản” khiến mục tiêu trên khó thành hiện thực. Theo ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua chính là hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điển hình là chăn nuôi lợn, toàn tỉnh có 400.000 con lợn, hầu hết đều được nuôi ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nên ít quan tâm tới công tác tiêm phòng hay phòng chống dịch bệnh theo quy trình của cơ quan thú y. Cũng theo ông Lừng “Ngành chăn nuôi cả nước nói chung, Bắc Ninh nói riêng vẫn mang tính tự phát; quy mô kinh tế hộ nhiều hơn là kinh tế trang trại. Thói quen chăn nuôi truyền thống đã ăn sâu trong suy nghĩ của người dân. Việc cấp 4- 5 ha đất để xây dựng trang trại cũng gặp khá nhiều khó khăn vì quỹ đất hạn chế. Ngoài ra còn khó khăn về giống, vốn đầu tư. Năm 2007, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (còn gọi là bệnh tai xanh) xảy ra lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh khiến lợn ốm, chết hàng loạt, đặc biệt, đàn lợn nái giảm đáng kể. Sau dịch, lợn giống trở nên khan hiếm nên giá tăng đến 50-60%. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại còn tự chủ được nguồn giống, với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều này thực sự không dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Hệ ở thôn Guột, xã Việt Hùng (Quế Võ) cho biết: “Trước đây, muốn mua lợn giống chẳng khó khăn gì, cứ đến chợ thấy con nào to, khoẻ, lông mượt thì mua, hoặc bắt ngay của các hộ có lợn nái trong thôn. Bây giờ thì khác, rất ít gia đình mang lợn giống ra chợ bán, bởi thương lái đặt mua trước cả đàn rồi đem bán cho người chăn nuôi với giá cao hơn; nhiều khi gặp phải lợn còi cọc, xấu xí vẫn phải mua”. Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh), ngoài nguyên nhân từ bệnh tai xanh còn do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giống bảo đảm chất lượng. Hiện, nhu cầu về giống của người chăn nuôi khoảng 850.000 con/năm, trong khi tỉnh chỉ có 1 xí nghiệp, 2 cơ sở gia công cho Công ty cổ phần CP và 5 cơ sở tư nhân sản xuất giống lợn hướng nạc với tổng số 5.000 nái ông bà, bố mẹ. Số lợn giống mà các cơ sở trên cung ứng được khoảng 100.000 con/năm. Mặt khác, số liều tinh lợn ngoại chất lượng cao mà các cơ sở truyền giống sản xuất mới đáp ứng khoảng 65% nhu cầu, còn lại được nhân giống từ đàn lợn nuôi tự do trong dân. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, khai thác giống không theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng truyền giống kém. Tương tự như đàn lợn, chất lượng bò giống của Bắc Ninh cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Thực tế cho thấy, bò lai Zê-bu có ưu thế hơn hẳn bò vàng địa phương. Tuy nhiên, việc nhân rộng đàn bò lai dù đã thực hiện nhiều năm nhưng vẫn không cho kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do số liều tinh bò lai thụ tinh nhân tạo chỉ dừng ở mức khoảng 10.000 liều/năm, đáp ứng 80% nhu cầu, phần còn lại được nhân giống từ đàn bò cóc địa phương. Trong khi đó, bê lai Zê-bu ra đời hầu hết được bán làm bò thịt, ít hộ giữ lại để thay thế bò cóc. Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi, bò lai Zê-bu trên địa bàn tỉnh mới chiếm 78% tổng đàn.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Phiến, thị trấn Chờ (Yên Phong) thu nhập 250 đến 300 triệu đồng/năm.
Muốn ngành chăn nuôi phát triển ổn định, có chiều sâu, theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp- PTNT) chúng ta cần rà soát và quy hoạch lại đất đai, hình thành các khu chăn nuôi riêng biệt, mang tính công nghiệp, độc lập, cách xa dân cư. Song song với quy hoạch đất, cần quy hoạch lại các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; nhà máy chế biến, giết mổ gia súc và gia cầm tập trung, công nghiệp; giúp cho việc vận chuyển, dự trữ nguyên liệu thức ăn và thức ăn chăn nuôi thuận lợi nhất. Cùng với các giải pháp trên, việc mở rộng mạng lưới và tiêu chuẩn hoá các cơ sở, chất lượng đực giống của hệ thống thụ tinh nhân tạo có ý nghĩa quan trọng; theo đó cần tổ chức đánh giá bình tuyển, loại thải lợn đực giống kém chất lượng trong sản xuất. Về kỹ thuật nuôi, các cơ sở phải có chuồng trại được quy hoạch khoa học, thiết kế phù hợp với các điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; nhất thiết phải có hệ thống vệ sinh phòng dịch thú y và xử lý môi trường. Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, công nghiệp, cần áp dụng công nghệ tự động hoá từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất; các cơ sở chăn nuôi phải có sổ sách theo dõi quản lý, lưu giữ số liệu về giống, thuốc thú y và dịch bệnh; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; cơ sở giống nhất thiết phải có sổ theo dõi, phần mềm tin học quản lý được các cơ quan chức năng công nhận.