00:00 Số lượt truy cập: 2991839

Bắc Ninh: Giáo dân làm kinh tế giỏi 

Được đăng : 03/11/2016
Trước đây, gia đình giáo dân Nguyễn Thị Thừa cũng giống như bao gia đình ở thôn Cứu Sơn, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, quanh năm chỉ biết cấy 2 vụ lúa, trồng vài luống rau, nuôi thêm con gà, con lợn nên kinh tế gia đình rất khó khăn.

Từ ngày thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chị Nguyễn Thị Thừa đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà đẻ và ấp trứng bán gà con. Chị trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi của huyện Gia Bình.

Năm 2000, chị đã đầu tư nuôi gà thịt với số lượng từ 200-300 con/lứa theo phương pháp nuôi gối nên lúc nào cũng có gà bán. Thời điểm đó, phong trào chăn nuôi gà thương phẩm trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh, trong vùng lại chưa có điểm cung ứng gà con. Nắm bắt nhu cầu về con giống của người dân, năm 2003, chị đã mạnh dạn học nghề ấp trứng, mua máy ấp và bán gà con. Cũng từ đó, chị đầu tư vào nuôi gà lai đẻ trứng với số lượng từ 300 - 400 gà đẻ. Tuy nhiên, những năm đầu do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nuôi thả, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà và cả khâu tìm đầu ra cho sản phẩm nên lãi không được là bao, thậm chí có năm còn lỗ. Chị quyết tâm đến các hộ chăn nuôi và ấp trứng giỏi trong và ngoài huyện để học hỏi kinh nghiệm; tham gia tất cả các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về sản xuất, chăn nuôi tại Trung tâm học tập cộng đồng; tự tham khảo các thông tin hướng dẫn phương pháp nuôi gà đẻ và ấp trứng trên báo, đài, truyền hình, vận động người thân, các tổ chức tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để cải tạo, nâng cấp, mở rộng khu chăn nuôi. Chị Thừa dần đưa mô hình nuôi gà và ấp, bán gà con làm ăn có lãi, hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Hiện nay, trong chuồng luôn ổn định từ 700-800 gà đẻ và 600-700 gà hậu bị chủ yếu là gà lông mầu mua từ trại gà Thuỵ Phương. Chị Thừa cho biết, chị luôn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp KHKT từ khâu chọn con giống, chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại nên nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ gà đẻ trứng trung bình trong năm đạt khá cao, cứ 5 ngày chị lại đưa trứng vào lò ấp một lần, bình quân mỗi tháng xuất bán từ 7000-8000 gà con có thời điểm giá bán tới 12.000 đồng/con, doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những người đến mua gà con đều được chị hướng dẫn phương pháp úm và công tác phòng bệnh gà ngay từ nhỏ đảm bảo gà khoẻ mạnh lớn nhanh. Nhờ làm ăn có uy tín mà cơ sở ấp trứng bán gà con của chị đã có “thương hiệu”, khách ở trong và ngoài huyện đều phải đặt trước mới có gà con giống.

Sau 10 năm làm kinh tế theo mô hình nuôi gà đẻ, ấp trứng, bán gà con, chị đã vươn lên làm giàu, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Gia Bình. Cùng với đó, chị Thừa luôn sẵn sàng giúp đỡ những chị em muốn chăn nuôi gà về con giống, kiến thức chăn nuôi để chị em phát triển kinh tế gia đình.

Bận rộn làm kinh tế, nhưng chị Thừa vẫn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương và giáo hội, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giữ gìn tình làng nghĩa xóm và vận động gia đình cùng thực hiện, nuôi dạy con cái thành đạt. Bản thân chị luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu học theo lời Bác: sống tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc, vì nước có vinh, đạo mới sáng.