00:00 Số lượt truy cập: 2995951

Bắc Ninh: Làm giàu từ nghề nuôi trâu thương phẩm 

Được đăng : 03/11/2016
Bằng nghề nuôi trâu vỗ béo thương phẩm, nhiều hộ gia đình trong thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã vươn lên làm giàu, các hộ nuôi thường xuyên từ 10 - 15 con trở lên, mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.

Những năm về trước, ở Lũng Giang nghề chăn nuôi trâu thương phẩm chưa phát triển, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các hộ gia đình. Từ năm 2000 trở lại đây, nghề này phát triển rất sôi động; đặc biệt là những tháng cuối năm, đàn trâu được nhiều hộ chăn chăm sóc tốt, tăng trọng gấp 2 - 3 lần với mục đích đáp ứng thị trường tiêu thụ trong dịp Tết nguyên Đán và lễ hội Lim.

Vào thăm hộ gia đình anh Nguyễn Quang Lơ ở khu chuyển đổi thôn Lũng Giang, chúng tôi tận mắt nhìn đàn trâu đang trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán. Dẫy chuồng được xây dựng đơn giản nhưng khá sạch sẽ, thoáng mát và có hầm biogas để xử lý chất thải. Hiện gia đình anh đang nuôi 20 con trâu. Qua trao đổi anh cho biết: “Gia đình anh trước đây chỉ nuôi 1 đến 2 con chăn thả tranh thủ lúc rảnh rỗi, nhưng rồi thấy nuôi nhốt, cho ăn thêm bã đậu hiệu quả cao hơn, nên 5 năm nay anh đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi tập trung. Mỗi năm gia đình anh nuôi trung bình 4 lứa, mỗi lứa 20 con. Trâu lúc mua về có giá 19 triệu đồng/con, sau 2 - 3 tháng nuôi cho xuất chuồng, trung bình một con trâu bán được 30 triệu đồng, cá biệt có con bán được 40 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn tiền bã đậu, cám ngô, cám tổng hợp, mỗi con anh có thể thu lãi được 4 triệu đồng.

Anh Lơ cho biết: “Nuôi trâu vốn đầu tư lớn nhưng ít rủi ro, trâu ít bị bệnh, khi mua về chỉ phải tiêm phòng đủ các loại vắc xin, nuôi trâu lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác, tận dụng được rơm rạ và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp…. Nuôi nhốt như hiện nay, chỉ cần 1 người vẫn chăm sóc được 20 con trâu mà vẫn còn thời gian làm việc khác. Chính vì vậy, tôi đã thôi không đi buôn bán ở tỉnh ngoài nữa mà về quê nuôi trâu”.

Ngay bên cạnh nhà anh Lơ là gia đình anh Nguyễn Hữu Cường - có thâm niên 12 năm trong nghề nuôi trâu. Xuất phát từ nghề buôn bán trâu, qua những lần đi chợ mua trâu ở các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu… có nhiều người bán trâu gầy, yếu với giá thấp, từ đó anh mua trâu về nuôi vỗ béo để bán với giá cao hơn. Tính sơ bộ năm 2013, anh Cường đã cho xuất chuồng 3 lứa trâu, mỗi lứa lãi vài chục triệu đồng, riêng lứa cuối năm anh nuôi 30 con bán vào dịp Tết nguyên Đán và lễ hội Lim được giá lãi gần 150 triệu đồng. Anh Cường cho biết: “Trâu là nguồn thu nhập chính của gia đình, không tốn công mà hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng giá thịt trâu luôn ổn định và tăng dần lên. Hơn nữa thịt trâu có chất lượng thơm ngon được thị trường tiêu thụ rất mạnh “cung không đủ cầu” - lúc nào cũng trong tình trạng khan hàng”.

Bằng nghề nuôi trâu vỗ béo thương phẩm, nhiều hộ gia đình trong thôn đã vươn lên làm giàu như hộ anh Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Tiến Binh, Nguyễn Tiến Bộ, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Văn Hạnh… các hộ này nuôi thường xuyên từ 10- 15 con trở lên, mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên với nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi đó do diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn đầu tư theo hướng này. Người chăn nuôi trên địa bàn mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước về vốn, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt có biện pháp phòng chống dịch bênh, để người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nguyễn Thị Hoài - TTKNKN Bắc Ninh