00:00 Số lượt truy cập: 3078413

Bắc Trung Bộ dồn sức chống hạn 

Được đăng : 03/11/2016
Hồ, đập cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, hàng nghìn ha lúa bị chết do thiếu nước, người dân chỉ biết cầu trời mưa để cứu những diện tích lúa còn lại.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có chuyến công tác tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, chứng kiến cảnh hạn hán khốc liệt và nỗ lực chống hạn của chính quyền, nhân dân các tỉnh.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, vừa đi chỉ đạo công tác chống hạn tại Bắc Trung Bộ trở về cho biết, nắng nóng, khô hạn cộng với trời không mưa khiến hàng chục nghìn ha lúa trên địa bàn các tỉnh miền trung bị chết và ảnh hưởng. Diện tích khô hạn đang tăng lên hằng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ðến ngày 12-7, tại Bắc Trung Bộ đã có hơn 25.000 ha lúa chết, hơn 70.000 ha lúa bị hạn nặng. Nếu trời tiếp tục không mưa, hơn 70.000 ha lúa sẽ chết, ước tính thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng và nguy cơ thiếu đói với hàng chục nghìn người dân trong kỳ giáp hạt tới là không thể tránh khỏi.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, hơn một tháng qua không có mưa, nhiệt độ thường xuyên ở mức 37-390C, có lúc lên đến 420C. Nắng nóng đã làm hàng nghìn ha lúa các địa phương của tỉnh bị hạn nặng, nước ở các hồ, đập cạn kiệt, nhiều trạm bơm ngừng hoạt động hoặc không khai thác hết công suất. Toàn tỉnh có hơn 200 hồ cạn nước. Các hồ đập chứa nước cỡ vừa và nhỏ ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Ðức Thọ, Vũ Quang, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh và Thạch Hà đều cạn, nhiều nơi đã bơm hết cả lượng nước trong hồ, mực nước ở các sông, suối, trục tưới tiêu đã xuống thấp. Mực nước sông Ngàn Phố thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 0,3 đến 0,5m, sông Én - Hồng Tân, sông Già và nhiều sông suối không còn đủ nguồn nước cho các trạm bơm hoạt động. Ðặc biệt, trên sông Lam, nước biển độ mặn đã vượt qua độ cho phép 1,28%o lấn sâu, làm các trạm bơm không hoạt động được; cống Trung Lương ở Ðức Thọ đã đóng cửa nhiều ngày. Toàn tỉnh có gần 200 trạm bơm ngừng hoạt động.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Tĩnh Trần Quốc Hùng cho biết, tỉnh có hơn 12 nghìn ha lúa hè thu thiếu nước tưới, trong đó gần sáu nghìn ha bị hạn nặng. Những diện tích này chủ yếu ở những chân ruộng cao, vùng cuối kênh, vùng tưới của các công trình tiêu thủy nông bị cạn nước và một số trạm bơm địa phương thiếu nguồn nước. Trong đó các huyện Hương Khê, Hương Sơn và Nghi Xuân bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Tại huyện Nghi Xuân, có gần 500 ha lúa hè thu thiếu nước tưới, trong đó gần 400 ha bị hạn nặng chủ yếu ở hai xã Xuân Hồng và Xuân Lam. Bác Trần Ðức Quyết, nông dân xã Xuân Hồng giãi bày: "Năm nào, lúa ở quê tôi cũng bị hạn hán nhưng chưa năm nào lại diễn ra khốc liệt như năm nay. Hạn hán khiến đồng ruộng nứt nẻ, nước bị mặn xâm thực khiến hàng trăm ha lúa bị chết trắng, không thể thu hoạch được. Trong khi đó ngành nghề phụ không có, kinh tế của bà con chủ yếu là nông nghiệp. Nay lúa chết, nguy cơ thiếu đói đang ở ngay trước mắt". Ðể chủ động đối phó với hạn hán, các địa phương đang tiến hành nạo vét kênh mương, trục tiêu, khe lạch; phân phối, điều tiết nước hợp lý, tập trung dẫn nước, ép nước về các vùng cuối kênh; lấy nước từ sông La bổ sung cho sông Nghèn-Ðò Ðiệm để tạo nguồn nước cho các trạm bơm; dùng bơm dầu dã chiến để bơm nước từ các nguồn khác nhau.

Còn tại Nghệ An, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Trần Hữu Lực, cho biết, hơn 10.000 ha trong số 28.000 ha lúa vừa cấy của tỉnh có khả năng chết do hạn hán. Chưa bao giờ ở Nghệ An lại hạn nặng thế này. 600 hồ đập cạn kiệt nước. Chỉ một số hồ do các doanh nghiệp quản lý hiện còn một ít nước để duy trì tưới tiêu nhưng mức nước trong hồ chỉ còn khoảng 30% dung tích thiết kế. Bây giờ chỉ trông chờ vào thiên nhiên. Tại các huyện Nam Ðàn, Hưng Nguyên đã có gần 7.000 ha lúa bị hạn, trong đó 4.800 ha bị hạn nặng, lúa khô cháy, nhiều trạm bơm không thể bơm được vì thiếu nguồn nước. Mặc dù nhân dân và các công ty thủy lợi đã chủ động nạo vét các hệ thống kênh mương nhưng vẫn không thể đáp ứng việc chống hạn cứu lúa. Huyện Nghi Lộc, do ở cuối nguồn nước, lại bị nước mặn xâm thực cho nên hiện nay trên địa bàn có 2.700 ha bị hạn, với hơn 1.000 ha bị hạn nặng nguy cơ mất trắng. Huyện có 39 hồ đập nhưng khô kiệt, một số hồ chỉ đủ cung cấp nước chống hạn rất hạn chế.
Nắng nóng, hạn hán và mặn xâm thực cũng đang đe dọa hàng nghìn ha lúa trên địa bàn Thanh Hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến cho biết, trong sáu tháng đầu năm thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp và biến động thất thường, lượng mưa chỉ đạt 150-300mm, thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ năm 2009 khoảng 35-80%. Mưa ít, nắng nóng kéo dài làm mực nước các hồ chứa xuống thấp, nhiều hồ đập nhỏ đã xuống dưới mực nước chết. Bên cạnh đó, mực nước trên các sông Mã, Lèn, Chu, Bưởi và Cầu Chày... đã xuống rất thấp. Ðặc biệt, mặn đã xâm thực vào toàn bộ kênh De, các sông Càn, Hoạt và vào sâu sông Lèn đến 20 km khiến thời gian vận hành của các trạm bơm chỉ đạt 8 đến 12 tiếng trong ngày. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 250 hồ trong số 406 hồ không còn nước, ngoài 24 hồ do Công ty khai thác công trình thủy lợi sông Chu quản lý, số hồ còn lại lượng nước cũng đã gần đến mực nước chết. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 10 nghìn ha lúa cấy bị chết, hàng nghìn ha lúa khác đang thiếu nước và hơn 8.000 ha ngô bị chết phải trồng lại. Cùng với lúa, ngô, hạn hán cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng 19 nghìn ha mía nguyên liệu chủ yếu ở Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống và Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống cho biết, hiện nay diện tích mía nguyên liệu bị chết gần 90 ha (chủ yếu mía trồng mới), cháy lá hơn 400 ha, gần 1.500 ha bị táp lá và gần 3.000 ha sinh trưởng và phát triển kém... Tổng sản lượng mía nguyên liệu bị thiệt hại do nắng hạn gây ra cho người trồng mía và công ty ước từ 44,9 đến hơn 60 nghìn tấn. Nếu còn tiếp tục nắng nóng và không có mưa thì diện tích mía chết, mất mật độ, cháy, táp lá toàn vùng nguyên liệu sẽ tăng thêm và sản lượng mía nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm, thiệt hại lớn cho bà con nông dân vùng nguyên liệu. Trước tình hình trên, công ty đã hướng dẫn các hộ trồng mía chống hạn bằng cách tưới nước, phủ gốc, trồng lại những diện tích đã bị chết, trồng dặm những diện tích bị mất mật độ...
Trước tình hình trên, Bộ NN và PTNT đang chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách chống hạn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp. Các Sở NN và PTNT tập trung chỉ đạo nạo vét các cửa dẫn nước vào cửa cống, bể hút trạm bơm và nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kênh chính, kênh nhánh và nội đồng. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm truyền nước cho vùng cao, bơm bổ sung dòng chảy hỗ trợ cho các trạm bơm lớn khi mực nước tiếp tục xuống thấp, trường hợp khẩn cấp phải lắp máy bơm nước chết của hồ chứa để cấp nước... Ðể khắc phục tình trạng hạn hán như hiện nay thì chính quyền địa phương các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp chống hạn như: Sử dụng nước tiết kiệm, bảo đảm cấp đủ nước dưỡng cho các diện tích lúa đã gieo cấy, diện tích có khả năng cấp nước cho canh tác lúa thì tranh thủ gieo trồng khi còn thời vụ. Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương cho phòng, chống thiên tai, tạm ứng kinh phí từ các nguồn hợp pháp để chi cho công tác chống hạn...