00:00 Số lượt truy cập: 3036526

Bán xe rau không đủ bữa sáng 

Được đăng : 03/11/2016

Nông dân đang khóc dở mếu dở vì rau bán không được mà đổ cũng chẳng xong.


Rau quá rẻ, mang lên chợ đêm bán đến gần trưa cũng không thể hết. Bán tống bán tháo với mức giá bèo bọt. Nhiều nông dân đành cắt bỏ cho bò, lợn ăn cải thảo, su hào...

Anh Nguyễn Hoàng Tú (Văn Đức- Gia Lâm) cho biết, mỗi cây cải thảo nặng cỡ hai kg nhưng bán không nổi một nghìn đồng. “Đầy một bao tải dứa tầm 30-40kg chỉ bán được 15 nghìn đồng mà còn ế chỏng chơ. Nhà tôi có bốn sào, đành cắt cho bò, lợn ăn và cho là chính. Nhiều người quê tôi thà để thối còn hơn ốm xác đi bán ở chợ đêm”.
 

Cung vượt quá cầu

Theo khảo sát của phóng viên, tại trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (chợ rau đêm ở Mai Động) mỗi ngày tổng khối lượng rau- củ- quả về khoảng 120 tấn. Trong 5 - 6 ngày trở lại đây, lượng rau củ quả vọt lên thêm khoảng 30 tấn/ngày vì có sự thu hoạch ồ ạt từ các vựa rau xung quanh Hà Nội.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng rau- củ- quả về chợ gấp hai lần hồi đầu tháng 12 năm ngoái và tăng 20-30 phần trăm so với những ngày bình thường.

Những người trồng rau cho biết, lượng su hào, cải thảo, súp lơ… được trồng ồ ạt và đồng loạt sau đợt lũ lịch sử tháng 11 năm ngoái gây tình trạng cung vượt quá cầu như hiện nay.

Anh Tú chán nản : “Hôm qua đi bán, tôi phải hạ giá một nghìn cho ba cây cải thảo khoảng năm kg, ba cây súp lơ to tướng cũng chỉ có 1 nghìn đồng. Bán nửa yến cải thảo mà chỉ đủ tiền uống một cốc nước chè, cả xe rau không đủ tiền ăn một bữa sáng như người thành phố”.

Anh Văn Công (Trung Quan- Văn Đức- Gia Lâm) kêu than: “Tôi bán có 300 đồng một củ su hào mà người ta chỉ trả 200 đồng rồi bỏ đi, cây cải thảo gần hai cân cũng chỉ bán được từ 1.200-1.500 đồng”.

Cùng chung tâm trạng với anh Công, bà Khúc Thị Hường (xóm 1, Yên Mỹ, Thanh Trì) khóc dở mếu dở với hai sào su hào và hai sào bắp cải. Nhà bà đều thu hoạch vào lúc “cho còn khó hơn cả bán”.

“Đi bán lay bán lắt cả ngày mới được hơn 100 củ su hào, đi chán chê vào các ngõ mới hết mà chỉ được mấy chục nghìn, chi phí tiền chỗ ngồi, tiền gửi xe, tiền túi bóng là gần hết. Về nhà còn chẳng được bao nhiêu”, bà Hường than vãn.

Còn ông Trần Văn Quyến (Gia Lâm) xót xa bên một yến đỗ xanh chỉ bán được 1.500 đồng/kg: “Tôi mang có vài chục cân đi bán mà ế, đành đổi lấy ít ngọn mía về cho bò ăn”.

Anh Quyến cho biết, trong khoảng một tuần nay, đỗ xanh, súp lơ, cải bắp giá rẻ nên chẳng ai về ruộng mua, cắt bỏ cho lợn, bò ăn không hết đành mang lên chợ đêm bán. Súp lơ lúc đắt lên tới cả 10.000 đồng/cây  thì nay chỉ có 1.000 đồng/cây. “Nếu một tiếng nữa không bán hết thì đành đổ bỏ, ai mang giúp về ăn thì tôi cảm ơn lắm”, bác Quyến xót xa.

Cùng chung nỗi buồn vì rau rớt giá, nhiều nông dân trồng cải thảo, su hào, súp lơ… ở các vùng trồng rau như Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Tây Tựu, làng Mơ- Hoàng Mai, Yên Sở… cũng đang lâm vào cảnh khóc dở mếu dở.

“Trồng hết lứa su hào này tôi tạm bỏ đất không chứ lỗ đau lỗ đớn thế này thì làm làm gì vì chẳng biết trồng gì tiếp đây”, anh Chiến (Khoái Châu, Hưng Yên) hoang mang.

Chị Hữu Thị Mai (Văn Giang – Hưng Yên) cũng cho biết, mấy hôm nay chị rao cho không dưa nhưng cũng chẳng ai thèm lấy, mà lợn ăn mãi cũng chán. Mang lên Hà Nội bán có 500đ/kg cũng không đắt.

Bà Hường (Thanh Trì) chán nản: “Sau đợt lũ hồi tháng 11 năm ngoái, tôi mua giống  300 đồng một cây su hào. 60 ngày sau, tính cả tiền phân bón, chăm bẵm cũng chỉ bán được 300 đồng/củ. Một sào su hào tiền giống hết năm trăm rưỡi mà cố lắm cũng chỉ thu về được có năm trăm nghìn”.

“Dù không có sức nhưng tôi cũng phải cố lôi rau đi, chịu khó rao bán ở các ngõ trong phố khi chợ đêm kết thúc. Mọi năm mất mùa thì phải chịu với ông giời. Đằng này được mùa mà sao lại cơ cực thế”, chị Nguyễn Thị Xuyến (Thường Tín) than thở.