00:00 Số lượt truy cập: 3083544

Bảo đảm mua hết mía vùng lũ 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 3/8, tại Nhà máy Đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị sản xuất và tiêu thụ mía đường vụ 2009-2010 khu vực ĐBSCL.

Nông dân một địa phương thuộc ĐBSCL thu hoạch mía sớm vì sợ lũ.

Đại diện của 10 nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh đã tham dự hội nghị. Vấn đề được hội nghị quan tâm nhất là giải quyết những bất ổn trong sản xuất và tiêu thụ như thu hoạch mía chạy lũ, tình trạng tranh mua, tranh bán ở vùng nguyên liệu.

Lỗ thì Nhà nước hỗ trợ

Năm nay, Hậu Giang có tổng diện tích 13.000ha mía, trong đó khoảng 4.000ha chưa có hệ thống đê bao chống lũ nên có khả năng nông dân sẽ thu hoạch sớm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích mía ở tỉnh này vẫn còn non, chữ đường trong mía mới đạt bình quân từ 4,2 đến 4,4 CCS; đến giữa tháng 9, mía mới đạt được 7-8 CCS. Dự báo, đến giữa tháng 9, diện tích mía của tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng thu hoạch khoảng 2.500 ha và các nhà máy sẽ chính thức bước vào vụ ép mới. Riêng Nhà máy Đường Cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) có kế hoạch vào vụ từ ngày 17-8, sớm hơn cùng kỳ 20 ngày. Theo bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Nhà máy Đường Cồn Long Mỹ Phát, nguyên nhân vào vụ sớm là vì nông dân thu hoạch mía để chạy lũ. Nhà máy được tỉnh Hậu Giang giao bao tiêu 2.600 ha mía ở vùng lũ của huyện Phụng Hiệp và hiện nay đơn vị đã trả tiền trước để mua 30.000 tấn mía của dân (loại có từ 8 CCS trở lên) với giá 500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, cho biết nông dân vùng lũ cần để mía đủ độ chín mới thu hoạch. Càng để cận lũ chừng nào thì chữ đường trong mía càng cao và giá bán cũng như lợi nhuận sẽ tăng cao. Nếu một nhà máy trong khu vực vào vụ sớm sẽ kéo theo nhiều nhà máy khác và chắc chắn sẽ thiếu mía nguyên liệu hoạt động vào cuối vụ. Đấy là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất của bà con nông dân cũng như các nhà máy sẽ không cao.

Trước những ý kiến nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng những vùng mía bị ảnh hưởng do lũ như Phụng Hiệp, phải thu hoạch bất cứ thời điểm nào, kể cả khi mía còn non để hạn chế thiệt hại. Nếu một nhà máy hoạt động không bảo đảm thu mua hết thì huy động nhiều nhà máy cùng tiêu thụ. Nếu hoạt động lỗ, Nhà nước hỗ trợ.

Tránh tranh mua, tranh bán

Năm nào cũng vậy, đến vụ thu hoạch mía thì ở ĐBSCL luôn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các nhà máy. Vì vậy, Hiệp hội Mía đường đề nghị UBND các địa phương cần quan tâm quy hoạch và phân bổ vùng mía cho các nhà máy đường. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhận định: Điều lo ngại lớn nhất hiện nay là vùng nguyên liệu và sự gắn kết của các nhà máy. Hiện các vùng nguyên liệu mía khác của cả nước được phân bổ khá rạch ròi, trong khi ở ĐBSCL lại có hiện tượng nhà máy của tỉnh này đến tỉnh khác thu mua thêm nguyên liệu và vùng nguyên liệu phân bổ có sự chồng lấn lên nhau. Tuy số lượng không lớn nhưng đôi lúc đã làm đảo lộn thị trường. Vì vậy trong thời gian tới, bộ yêu cầu Ban Điều hành Hiệp hội Mía đường và tiểu vùng ĐBSCL, cũng như các nhà máy đường, cần ngồi lại để bàn cụ thể việc phân bổ vùng nguyên liệu cho từng nhà máy mua thêm ở các tỉnh.

Ông Trịnh Minh Châu, Trưởng tiểu vùng ĐBSCL, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, cho rằng để từng bước ổn định vùng mía cho từng nhà máy trong khu vực, cần phân chia thành 3 vùng mía cho các nhà máy đầu tư hợp đồng tiêu thụ, gồm: vùng Long An, Bến Tre; vùng Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng; vùng Cà Mau, Kiên Giang. Các nhà máy đường trong khu vực cần cam kết không vi phạm đến vùng mía của các nhà máy khác.

Đầu tư cho sản xuất mía còn quá thấp

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng thống nhất giá thu mua mía đầu vụ như Hiệp hội Mía đường đề xuất là 600 đồng/kg đối với mía 10 CCS và mỗi CCS tăng hoặc giảm sẽ tăng hoặc giảm giá theo 50 đồng/kg. Ông Bổng cũng thừa nhận rằng thời gian qua công tác đầu tư cho sản xuất mía ở ĐBSCL còn quá thấp. Vì vậy, để cây mía tiếp tục tồn tại và phát triển, Nhà nước sẽ đầu tư thêm vào các lĩnh vực như giống, bờ bao chống lũ, cơ giới hóa trong khâu chăm sóc và thu hoạch để người lao động đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, từng địa phương cần tiến hành quy hoạch cụ thể. Nên chọn các mô hình trồng mía xen với nuôi tôm, cá trong ao mương là phù hợp để tăng lợi nhuận cho nông dân và giữ được diện tích mía. Bên cạnh đó, các nhà máy nên cùng nhau hợp tác để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người trồng mía và nhà máy đường.

Tiểu vùng ĐBSCL hiện có 10 nhà máy đường hoạt động, công suất ép 22.500 tấn mía/ngày. Diện tích mía toàn vùng vụ 2009-2010 là 52.500 ha, tăng 10% so với vụ trước, sản lượng ước đạt khoảng 3,8 triệu tấn; thời gian sản xuất của các nhà máy dự kiến kéo dài từ 5 tháng rưỡi đến 6 tháng. Thời gian thu hoạch mía dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 9 trở đi.