Giữa tháng 4, tại TP.HCM, giá gạo thường khoảng 7.500-8.000 đồng/kg. Sau đợt sốt gạo “ảo”, giá gạo thường lùi dần về gần sát giá cũ.
Tăng nguồn cung gạo ngon
Một tiểu thương chợ Trần Chánh Chiếu cho biết trong đợt sốt gạo vừa qua, dù giá cao nhưng tiểu thương vẫn phải lấy gạo về bán. Vì mua gạo với giá cao nên tiểu thương không thể bán ra với giá thấp được. Tuy nhiên, bán giá cao (hơn giá siêu thị) thì lại không có người mua. Sau cơn sốt, giá gạo gốc (từ miền Tây chuyển về chợ) đã giảm nhiều nhưng giá bán của tiểu thương chỉ giảm ít vì người bán phải trộn gạo trong đợt sốt với gạo sau đợt sốt với nhau để tránh lỗ. Như vậy, giá gạo hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi giá của cơn sốt gạo. Bao giờ lượng gạo giá cao này được bán hết thì giá gạo mới hết bị ảnh hưởng.
Một cán bộ quản lý cho biết dự kiến phải đến cuối tháng 5 thì kho gạo giá cao này mới được “xổ” hết.
Thế nhưng sau tháng 5, liệu gạo có về lại giá cũ? Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Vinh Phát, cho biết công ty này giao gạo cho hệ thống Co.op Mart với giá khoảng 10.000 đồng/kg gạo thường. Ông Trung cho rằng giá gạo thường như hiện nay đã là giá tốt. Ông giải thích hiện nay giá lúa tăng, đầu vào của lúa như phân bón cũng tăng giá, dự kiến đợt thu hoạch sắp tới giá lúa cũng nhích lên chứ không như cũ được. Vì vậy mà giá gạo thường sẽ không giảm thêm nữa.
Tuy nhiên, gạo ngon lại có nhiều cơ hội giảm giá vì tăng nguồn cung. Trong đợt sốt gạo, bình ổn gạo vừa qua, gạo thường lẫn gạo ngon đều tăng giá đột biến. Trong và sau thời điểm đó, các hệ thống phân phối như Co.op Mart, Vinatex, Vissan được huy động để cung ứng gạo kịp thời cho người dân. Khi đó quá cấp bách nên việc cung ứng chỉ tập trung vào mặt hàng gạo thường với giá khoảng 11.000 đồng/kg. Do phải cạnh tranh, giá gạo thường ở chợ Trần Chánh Chiếu cũng như các chợ lẻ cũng phải dời về mức 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong siêu thị lại không đa dạng gạo, ít gạo ngon, ít được lựa chọn, giá gạo cũng đến 13.400-14.500 đồng/kg. Vì vậy, gạo ngon bên ngoài không bị cạnh tranh gay gắt nên giá vẫn còn khá cao.
Ông Trần Ngọc Trung cho rằng gạo ngon hiện có trên thị trường là gạo của đợt đông xuân, muốn làm đợt gạo này là phải tính từ hồi trước Tết Nguyên Đán chứ bây giờ không tính được nữa! Giữa tháng 6, tháng 7 sẽ có đợt thu hoạch lúa mới, cung ứng thêm gạo ngon cho thị trường, kéo giá gạo gốc xuống. Lạc quan hơn là mùa gạo ngon năm sau sẽ dồi dào về lượng. Ông Trung cho rằng bà con nông dân có thói quen thấy năm nay “ế” thì năm sau bỏ, không thèm làm nữa, vì vậy năm sau thiếu, thấy vậy, bà con lại đổ xô làm khiến năm tới dư gạo, lại ế. Hiện nay gạo ngon được giá nên dự đoán năm 2009, bà con nông dân sẽ làm “dư” gạo ngon!
Sẽ kéo giá gạo ngon xuống
Một cán bộ quản lý cho rằng khi giá gạo gốc ở miền Tây giảm thì TP.HCM sẽ có biện pháp kéo giá gạo ngon tại TP giảm theo. Vị này cho rằng tâm lý tiểu thương chợ lẻ là giá cao mà vẫn bán được hàng thì chẳng giảm giá làm gì. Vì vậy rất khó thuyết phục họ giảm giá bán theo giá gạo gốc. Để giá gạo sát với giá gạo gốc, người này cho biết sẽ sử dụng hệ thống siêu thị và chợ đầu mối gạo để điều chỉnh thị trường.
Hiện nay, có ba kênh chuyển gạo đến người dân TP.HCM là hệ thống siêu thị, gạo chợ lẻ lấy từ chợ đầu mối gạo (trước ngày 15-5 là chợ gạo Trần Chánh Chiếu), gạo chợ lẻ lấy trực tiếp từ miền Tây mà không qua chợ đầu mối. Nếu giá gạo ngon trong hệ thống siêu thị mà thấp thì giá gạo ngon chợ lẻ cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, siêu thị không phải là kênh phân phối mạnh về gạo.
Dù vậy, cũng phải tính đến chuyện cung cấp gạo ngon giá hợp lý trong hệ thống siêu thị để kéo giá. Ngoài ra, còn phải dùng chợ đầu mối gạo để điều tiết giá. Tuy nhiên, theo vị cán bộ quản lý này thì phải chờ hết tháng 5, khi mà lượng gạo giá cao được “xổ” ra hết và việc kinh doanh của tiểu thương tại chợ đầu mối mới đi vào ổn định thì mới có thể tính toán được. Nếu kết hợp hai hệ thống này thì coi như nắm được trên 30% nguồn cung gạo cho thị trường TP và có thể sẽ tác động đến giá gạo ngon ở chợ lẻ.