00:00 Số lượt truy cập: 2999200

Bao giờ làng cá hồi sinh? 

Được đăng : 03/11/2016

Đã hơn nửa năm nay, hàng chục lồng nuôi cá thuộc thôn Quyết Tiến, Khả Lĩnh, xã Đại Minh (Yên Bình) nằm xập xệ, ngổn ngang bên dòng sông Chảy nhìn mà xót xa. Không nuôi được cá, hàng chục lao động phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Câu hỏi bao giờ làng cá hồi sinh dường như vẫn chưa có lời giải!


Anh Nguyễn Ngọc Ái buồn rầu bên lồng cá bỏ hoang.

Trưởng thôn Quyết Tiến - ông Nguyễn Mạnh Ân xót xa: “Nghề nuôi cá lồng đang ăn nên làm ra là vậy, tuy chưa giàu nhưng cũng giải quyết được bao công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân. Thế nhưng từ cuối năm 2010 và những ngày đầu năm 2011 do ô nhiễm nước trên sông Chảy làm cá chết hàng loạt, nhiều gia đình đã nghèo nay lại càng khánh kiệt. Đã mấy tháng nay họ phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày”.

Thôn Quyết Tiến, có 36 hộ dân sinh sống dọc ven dòng sông Chảy nước xanh trong. Với lợi thế đó, từ năm 2000 người dân đã làm lồng để nuôi cá trên sông Chảy với mong muốn thoát cảnh đói nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn. Mang tiếng là ở nông thôn, nhưng Quyết Tiến chỉ có chưa đầy 20 mẫu đất ruộng nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Để xoá đói nghèo, các hộ gia đình phải tận dụng đất đai ven nhà trồng bưởi, chăn nuôi lợn, gà và cá. Nghề nuôi cá tuy mới vào làng chưa đầy 10 năm nhưng đã phát triển khá mạnh mẽ. Nhất là năm 2010, để khuyến khích phát triển chăn nuôi thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, các hộ đầu tư nuôi cá lồng sau khi được nghiệm thu, tỉnh, huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng. Lợi nhuận cao cùng với sự khuyến khích của tỉnh, huyện và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, người dân có thêm niềm tin vào nuôi cá lồng.

Từ vài lồng cá ban đầu, đến cuối năm 2010 thôn Khả Lĩnh và thôn Quyết Tiến đã phát triển được 37 lồng cá. Sản lượng đánh bắt mỗi lứa đạt trên chục tấn cá thịt. Những con cá trắm cỏ nặng 7 - 8 kg được nuôi bên dòng sông Chảy nước sạch đã trở thành đặc sản có thương hiệu trong làng thủy sản và thực đơn của các nhà hàng.

Việc phát triển nuôi cá lồng đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững, nhiều hộ còn mua được ti vi, xe máy nhờ nuôi cá. Thế nhưng, tình trang cá chết hàng loạt trên sông chảy vừa qua khiến nghề nuôi cá lồng rơi và cảnh khốn đốn.

Tưởng cá bị bệnh, sau đợt cá chết đó, đầu năm 2011 các hộ nuôi cá lồng đã vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc và tiếp tục đầu tư mẻ cá mới với hy vọng gỡ lại ít vốn. Hy vọng là vậy, nhưng thực tế lại đáng buồn hơn rất nhiều khi chỉ trong ba ngày (từ 19 - 21/3) tất cả các lồng nuôi cá lại bị chết sạch và bị xoá sổ hoàn toàn. Không chỉ cá trong lồng chết hàng loạt mà ngay cả cá sống tự nhiên dưới lòng sông Chảy cũng chết nổi đầy sông. Nhiều hộ gia đình vừa vay ngân hàng cả chục triệu đồng đầu tư nuôi cá, chưa thu được đồng nào nay đã phá sản, khánh kiệt.
Theo tính toán của các hộ nuôi cá thì số lượng cá chết trong 2 đợt lên đến trên 19 tấn cá thịt và hàng trăm con cá giống vừa nuôi, ước thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến cá chết, hầu hết người dân đều cho rằng do Nhà máy Sắn Vũ Linh xả nước thải làm nguồn nước trên sông Chảy bị ô nhiễm nặng. Bởi trong những ngày này, không chỉ cá lồng mà cả cá tự nhiên cũng chết nổi đầy sông, nước sông vốn trong xanh là vậy mà nay biến thành một màu đen kịt và hôi thối, bã sắn nổi khắp nơi.

Sau khi cá chết hàng loạt người dân đã phản ánh lên các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng đã về xem thực hư và lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Ông Trắng Văn Tươi - Trưởng phòng Kỹ thuật - Kế hoạch Chi cục Thủy sản là một trong những thành viên đã có mặt tại hiện trường khẳng định: “toàn bộ số cá chết là do ô nhiễm nguồn nước chứ không phải chết do bệnh”.

Ô nhiễm nguồn nước làm cá chết là không thể bàn cãi, còn đơn vị nào, doanh nghiệp nào xả thải ra làm ô nhiễm chỉ có cơ quan chức năng mới trả lời chính xác được. Người dân chỉ biết là cá chết hai đợt đã làm cho nhiều gia đình khánh kiệt và không còn đủ khả năng để tiếp tục tái đàn mặc dù rất muốn.

Ngồi bên lồng cá xác xơ, cỏ mọc kín, những chiếc nan lồng cũng bắt đầu mục nát theo thời gian, anh Nguyễn Ngọc Ái - Tổ trưởng tổ nuôi cá rầu rĩ nói: “Những ngày này một hai năm về trước, dọc bờ sông Chảy cứ sáng sáng, chiều chiều lại đông vui nhộn nhịp, người cho cá ăn, người bán, người mua, giờ thì không còn lấy một bóng người, chỉ còn dãy lồng xập xệ này, vừa qua có mấy hộ đã dỡ lồng về làm củi đun vì một số lồng đã bắt đầu mục nát”. Cứ đà này chỉ vài ba tháng nữa cả dãy lồng cá chắc chắn sẽ hỏng hết.

Để có được dãy lồng này các gia đình phải đầu tư hết cả trăm triệu đồng, nhiều hộ muốn đầu tư nuôi tiếp cũng rất khó khăn vì một mặt thiếu vốn, một mặt sợ nước sông lại ô nhiễm, cá lại bị chết tiếp thì trắng tay. Đơn cử ngay nhà anh Ái cũng bị chết mất 2 lồng cá, thiệt hại trên chục triệu đồng nay vẫn chưa trả được vốn.

Không nuôi cá nữa cũng đồng nghĩa với không có việc làm, các hộ khác như nhà anh Trần Văn Khoa, Trần Xuân Liên... còn khốn khổ hơn nhiều vì mấy tháng nay phải đi vác và xẻ gỗ thuê để kiếm gạo ăn. Các hộ nuôi cá thôn Quyết Tiến cũng như các hộ ở thôn Khả Lĩnh vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xác định làm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt. “Việc nước sông bị ô nhiễm do nhà máy sắn xả thải ra là chắc chắn, còn việc xác định nhà máy nào xả cũng không phải là quá khó, bởi trên cả khúc sông đó đâu có nhiều nhà máy chế biến sắn, chỉ có điều là các ngành chức năng có muốn truy tìm thủ phạm hay không mà thôi! - một phụ nữ trong thôn Quyết Tiến quả quyết.

Nhà máy sắn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt thì nhà máy phải có trách nhiệm bồi thường cho dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời phải giải quyết ngay hậu quả. Tuy nhiên, trong quá trình đợi và đợi các cơ quan chức năng làm rõ và sự ứng xử có lương tâm, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội thì người dân đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành để khôi phục sản xuất. Nhưng có lẽ đó mới chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài huyện Yên Bình cần phải xử lý dứt điểm, kiên quyết tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường trên sông Chảy, buộc các nhà máy, nhất là nhà máy chế biến sắn phải xử lý triệt để hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Có như vậy, làng cá bên sông Chảy mới sớm có cơ hội hồi sinh.