00:00 Số lượt truy cập: 3040400

Bảo hiểm ở HTX: Làm mới chuyện 

Được đăng : 03/11/2016

Từ 30 năm trước, chính sách bảo hiểm chăn nuôi đã được thực hiện thành công trong các hợp tác xã (HTX) ở Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), sau đó còn được tổng kết, áp dụng kinh nghiệm trên toàn quốc. Đấy là cách làm “cũ” nhưng xem ra vẫn rất thời sự trong điều kiện hiện nay…


1. Đối với HTX Điện An 1 (Điện Bàn), câu chuyện mua bảo hiểm cho xã viên không còn xa lạ gì. Bởi từ năm 1995, HTX đã chú ý đến khoản bảo hiểm tai nạn cho lao động xã viên. Nguyên cớ xem ra cũng thật đơn giản: Nhiều người ra đồng cuốc đất bị rắn cắn, đạp phải đinh hay gặp tai nạn bởi máy cày… Những rủi ro này không thể lường trước được, và lại thường xảy ra. “Nên chúng tôi nhận thấy việc bỏ tiền ra mua bảo hiểm từ đầu năm cho hộ xã viên là chuyện hoàn toàn có lợi” - một thành viên ban chủ nhiệm tâm sự. Ban đầu chưa mua nhiều, kể từ năm 2006 HTX bỏ kinh phí mua bảo hiểm cho 600-700 hộ xã viên/năm, theo hình thức mỗi hộ xã viên được hỗ trợ mua cho 1 người với 8,4 nghìn đồng/trường hợp. Nếu rủi ro xảy ra, người chết được bảo hiểm chi trả 3 triệu đồng/trường hợp. Mức chi trả không thể nói là nhiều, nhưng điều đó vượt qua cả trị giá của bảo hiểm (có thể giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu cấp thời) mà còn biểu hiện sự quan tâm của tập thể - một sự động viên về tinh thần rất đáng giá.

Xã viên HTX Dệt may Duy Trinh đã được bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro.

Với HTX Dệt may Duy Trinh, câu chuyện bảo hiểm mang một “cảm xúc” khác. Những khó khăn sau cơn bão liên tiếp hai năm 2006-2007 mà HTX gánh chịu đã đặt ra vấn đề về sự cần thiết mua bảo hiểm. Chủ nhiệm Thái Văn Dư nhớ lại: “Trước năm 2007, chúng tôi không mua bảo hiểm. Đó là tâm lý chung rất dễ hiểu, rằng chúng ta đang còn nghèo, còn khó khăn nên khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm thì xót của, từ đó nảy sinh tâm lý chủ quan. Đến khi gặp nạn rồi mới biết!”. Năm 2006, thiên tai khiến HTX thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, năm 2007 lại thiệt hại 7,1 tỷ đồng, chưa kể hộ xã viên thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng nữa. Vậy nhưng cuối năm 2007, nhờ đã mua bảo hiểm hàng hóa tại Bảo Việt trước đó nên HTX được thanh toán hơn 500 triệu đồng, cũng là một sự giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Sau sự cố đó, HTX có “kinh nghiệm” hơn, không ngần ngại bỏ tiền ra từ đầu năm để mua bảo hiểm, từ bảo hiểm hàng hóa đến phòng cháy chữa cháy. Năm 2008, ông Dư tiết lộ HTX đã chi 6 triệu đồng cho khoản này.

Nhưng “đình đám” nhất vẫn là chuyện mua bảo hiểm ở HTX Dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Điện Quang (Điện Bàn), cho dù đến nay “thương vụ” ấy vẫn chưa chính thức thực hiện. Đình đám, là bởi HTX này lần đầu tiên dám đứng ra bảo hiểm… cho bò! Chuyện HTX sẽ thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho gần 4.000 con bò trên địa bàn xã với mức bảo hiểm được bán 120-150 nghìn đồng/con/năm khi mới đang là ý tưởng thôi cũng đã trở thành sự kiện, lan nhanh trên phạm vi toàn quốc. Nhiều người quan tâm bởi liên tiếp trong nhiều năm, dịch bệnh tấn công đàn gia súc, gia cầm nhiều nơi, nông dân và hộ xã viên luôn đứng trước nguy cơ mất trắng gia sản. Vậy mà có HTX cam kết đứng ra “bảo lãnh” bằng cách bảo hiểm cho đàn bò, đồng nghĩa với việc mua rủi ro về phía mình. Nhưng lý lẽ của ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm HTX - thì khác: người dân bỏ ra khoản tiền ban đầu, bù lại HTX sẽ chịu trách nhiệm chi trả hỗ trợ với mức 80% giá trị tại thời điểm bò chết, nếu bị dịch. Tất nhiên HTX phải áp dụng một qui trình khép kín, từ hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, phòng trừ dịch bệnh đến bao tiêu sản phẩm… liên quan đến bò trong địa bàn Điện Quang và các xã vùng Gò Nổi, nơi được Bộ Nông nghiệp-PTNT đánh giá là có qui mô và chất lượng chăn nuôi bò tốt nhất nước.

Năm 2009, dịch vụ bảo hiểm cho bò sẽ chính thức triển khai, và hiện tại mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Các khâu chuẩn bị ban đầu đều rất kỹ lưỡng, như đào tạo kỹ thuật cho các cán bộ thú y (do Liên minh HTX tỉnh tổ chức kết thúc hồi tháng 5-2007), thăm dò ý kiến, được địa phương thông qua… Thậm chí, có ngành chức năng ở Quảng Nam cho hay sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình này ra một số vùng chăn nuôi bò sản phẩm hàng hóa tập trung như Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn… Tất nhiên, nếu như đại dịch xảy ra trên tổng đàn bò và trên diện rộng, HTX cũng sẽ có trách nhiệm trình báo với cơ quan cấp trên để xin các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân, bởi trường hợp này vượt ngoài khả năng bảo hiểm của HTX. Nhưng dẫu sao đây vẫn là một đột phá trong khâu bảo hiểm - một bảo hiểm do HTX đăng cai thực hiện “ngược” lại để chia sẻ rủi ro cho hộ nông dân và xã viên.

2. Liệu câu chuyện bảo hiểm mua lẫn bán trong HTX có phải là quá mới mẻ? Xét ở khía cạnh tâm lý khi không muốn bỏ tiền ra mua bảo hiểm, hoặc muốn mà vẫn không được mua bảo hiểm xã hội như nhiều người công tác hàng chục năm ở các HTX, thì đây rõ là câu chuyện “cũ”. Nhưng sẽ là một bất ngờ nếu biết rằng, chính sách bảo hiểm chăn nuôi tương tự như cách mà HTX Điện Quang đang làm lại được thực hiện khá thành công cách đây ngót… 30 năm!

Ông Hoàng Minh Thắng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - từng kể rất chi tiết trong hồi ký “Nơi ấy tôi đã sống” (NXB Chính trị quốc gia, 2003). Ông Hoàng Minh Thắng viết: “Hồi đó chưa ai hình dung rõ ràng chính sách bảo hiểm chăn nuôi, nhưng từ thực tiễn các HTX đã có những quy định đơn giản nhưng thiết thực. Khi nhận được heo giống, xã viên nộp cho HTX một khoản tiền (220 đồng lúc đó). HTX hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm lo phòng trừ dịch bệnh cho con heo đã nộp tiền bảo hiểm. nếu trước khi xã viên bán heo, heo bị chết vì dịch bệnh, HTX phải bồi thường 5 kg thóc/kg thịt. Nhờ quy định này gợi hướng chống bao cấp trong chăn nuôi, kích thích chăn nuôi gia đình và đưa kỹ thuật chăn nuôi, thú y vào hạch toán kinh tế”… Đặc biệt hơn, theo ông Hoàng Minh Thắng nhớ lại, “sau này Bộ Nông nghiệp đã tổng kết và áp dụng kinh nghiệm này cho các cơ sở dịch vụ kỹ thuật bảo hiểm cây trồng, vật nuôi cấp huyện”.

Có lẽ ở thời kỳ nào cũng vậy, người ta sẽ tìm được cách để vượt qua khó khăn. Câu chuyện bảo hiểm đang diễn ra ở Quảng Nam không quá mới, cũng không hẳn đã cũ. Nhưng dù cũ hay mới, cả hai đều “gặp” nhau khi cố tìm ra cách giảm thiểu rủi ro cho hộ xã viên và (hoặc) cho HTX.