00:00 Số lượt truy cập: 3076393

Bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn trong quá trình nuôi cá tra 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng đang thực hiện các biện pháp giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn phát tán các chất gây ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi.


Các tỉnh đang đầu tư xây dựng nhanh hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặn, lợ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước; vận động người nuôi cam kết không gây ô nhiễm môi trường; xây dựng ao chứa nước thải, ao chứa bùn thải; cam kết không xả nước thải có chỉ tiêu thủy lý, hóa, sinh vượt mức cho phép theo qui định tại Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Thủy sản. Qui trình kỹ thuật nuôi tuân theo tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 213:2004 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) và tiêu chuẩn SQF 1000. Các tỉnh chỉ đạo ngành thủy sản địa phương phổ biến rộng rãi quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào nuôi thủy sản; mở rộng xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn; phối hợp với các viện, trường đại học lập mô hình nuôi cá tra kết hợp sử dụng nguồn nước thải để nuôi các loại thủy sản khác hiệu quả.

Các tỉnh cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành qui trình nuôi bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường theo chuẩn quốc tế; ban hành qui chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật cá tra nguyên liệu, thức ăn nuôi cá để có cơ sở kiểm tra, quản lý chất lượng trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối mặt hàng này. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn, vùng nuôi lớn đi đôi với nâng cấp hạ tầng để người nuôi có điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (như SQF 1000, Global GAP…). Từ đó, người nuôi và doanh nghiệp chế biến không phải liên tục đối phó với các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện mở rộng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra; qui định giá sàn thức ăn nuôi cá cũng như giá xuất khẩu, góp phần ổn định giá để cho giá cả nếu có biến động cũng không quá chênh lệch.

Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của việc nuôi cá tra nói riêng và thủy sản nói chung đã gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại các vùng khu vực. Trong quá trình nuôi, người nuôi xả nước trong ao hồ ra sông ngòi. Vì vậy, nước thải, bùn chứa phân của các loại thủy sản, thức ăn dư thừa bị thối rữa, chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như hóa chất, vôi, chất khoáng, khí hữu cơ, khí vô cơ H 2 S, NH 3 ... từ nơi nuôi xả ra sông rạch càng nhiều. Mẫu nước nhiều nơi tại ĐBSCL cho thấy, các ao nuôi cá, tôm đều có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ như COD, BOD, Ni tơ, Phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép, tác động bất lợi đến hệ sinh thái./.