00:00 Số lượt truy cập: 2637784

Bảo vệ nghiêm ngặt đất lúa 

Được đăng : 03/11/2016

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất lúa, trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất. Tinh thần chung là đất lúa được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu cho đất nước phát triển.


Diện tích đất lúa toàn quốc là 4.120.182 ha

Ngày 27/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp xem xét việc triển khai soạn thảo, lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành.

Giảm gần 370.000 ha trong 10 năm

Với chủ trương xác định sản xuất lúa gạo là ngành chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nền kinh tế quốc dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thức quốc gia, cung cấp sản phẩm xuất khẩu, Chính phủ chỉ đạo sớm có chính sách riêng để quản lý, sử dụng đất lúa một cách tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng đất lúa đã dần đi vào nề nếp, trong quá trình thực hiện quy hoạch, nhiều địa phương đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm bảo đảm việc bảo vệ và sử dụng đất ngày càng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ một số hạn chế ở nhiều nơi, như việc lập, điều chinh quy hoạch, kế hoạch còn chậm, việc thực thi quản lý và sử dụng đất lúa chưa thống nhất, chưa sát thực tiễn. Tình trạng vi phạm quy định trong việc giao đất không theo quy hoạch, kế hoạch vẫn còn diễn ra, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa bởi việc giao đất, cho thuê đất xây dựng khu, cụm công nghiệp…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất lúa trong những năm qua đã có những thay đổi đáng kể. Thống kê mới nhất cho biết diện tích đất lúa toàn quốc là 4.120.182 ha, trong đó đất lúa 2 vụ là 3.297.478 ha. Từ năm 1995-2000, diện tích đất lúa tăng, nhưng giai đoạn 2000-2010 lại giảm 369.500 ha, giảm bình quân 0,86%/năm.

Xu hướng giảm diện tích lúa diễn ra ở hầu hết các vùng trồng lúa trên cả nước, một số vùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh nên tốt độ giảm đất lúa khá cao. Nguyên nhân giảm diện tích lúa là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến 2020, đất lúa tiếp tục phải chuyển đổi cho các nhu cầu khác thấp nhất là 293.400 ha, đồng thời, dự kiến đất lúa mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khoảng 5.720 ha, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng hiệu quả

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với việc quản lý và sử dụng đất lúa – yếu tố đặc biệt quyết định đến an ninh lương thực quốc gia. Tinh thần chung là đất lúa được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu cho đất nước phát triển.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất lúa, trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Dự thảo cần tạo ra hệ thống chính sách về đất lúa thống nhất và phù hợp với Luật Đất đai, với quy hoạch sử dụng đất lúa, Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23/12/2009 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tăng vụ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, lao động, tạo sức bật mới cho ngành sản xuất lúa gạo.

Chính sách cũng cần hướng tới các quy định hỗ trợ cho địa phương chuyên sản xuất lúa và người trồng lúa, tạo động lực nâng cao đời sống nông dân vùng trồng lúa.

Theo Dự thảo mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng, Nghị định sẽ gồm 5 chương, 27 điều, quy định về chính sách về quản lý, chính sách về sử dụng đất lúa, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lúa.

Trong đó, nhiều nội dung quan trọng và đáng chú ý như quy hoạch riêng đối với đất lúa, các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng đất lúa, giao, cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất lúa, giá đất, bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất lúa…