00:00 Số lượt truy cập: 3080310

Bảo vệ và kiểm dịch thực vật: Bao giờ đủ mạnh? 

Được đăng : 03/11/2016
Mặc dù Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) đã đi vào cuộc sống 8 năm nhưng đến nay tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Các chuyên gia cho rằng, do pháp lệnh không đủ mạnh, thiếu tính răn đe, trong khi kinh doanh sản phẩm này mang lại siêu lợi nhuận nên việc vi phạm là đương nhiên.

Không đồng bộ và thiếu thống nhất

Theo bà Phùng Mai Vân, cán bộ thanh tra của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước có 27.634 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chủ yếu nhập từ nước ngoài theo 2 dạng: thành phẩm và nguyên liệu về gia công theo những công thức nhất định. Đó chính là một trong những lý do khiến chất lượng các loại thuốc BVTV không đảm bảo. “Bình quân mỗi năm, các cơ quan chuyên ngành lấy gần 4.000 mẫu thuốc BVTV nhập khẩu để kiểm tra chất lượng, kết quả phát hiện khoảng 10% số mẫu không đạt chuẩn”, bà Vân nói.

Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hải Dương khẳng định: “Hiện, công tác thanh tra còn thiếu sự phối kết hợp với các trạm BVTV khiến hiệu quả không cao. Thậm chí hễ nghe tin có đoàn kiểm tra đến là các cửa hàng đóng cửa”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các văn bản về quản lý bảo vệ và kinh doanh thuốc BVTV liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật như: thương mại, môi trường, hóa chất, đa dạng sinh học, an toàn thực phẩm... nên các quy định thiếu tính thống nhất.

Thừa nhận những hạn chế trong công tác thanh tra nhưng bà Vân cũng chỉ rõ những hạn chế trong việc kiểm định, phân tích chất lượng. Theo bà Vân, khả năng phân tích cũng như nắm rõ tác dụng, đặc tính của các loại thuốc BVTV tại các phòng thí nghiệm còn rất hạn chế. Không ít trường hợp, đơn vị được phép nhập khẩu nguyên liệu thuốc về chế biến, đóng gói nhưng lại không có phòng phân tích, không có chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó, do kinh phí còn hạn chế (1,3 tỷ đồng/tỉnh) nên hầu hết các chi cục BVTV chỉ sử dụng phương pháp kiểm tra nhanh các mẫu rau, quả.

Hàng năm, thanh tra chuyên ngành BV&KDTV xử lý 2.000-3.000 trường hợp vi phạm với số tiền thu phạt vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng/năm, nhưng số trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra còn ít. Trong 8 năm qua, chỉ năm 2002 có 6 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc BVTV giả, thuốc cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục được chuyển sang cơ quan điều tra và đã bị xử lý hình sự, còn từ năm 2003 đến nay không có vụ vi phạm nào được chuyển sang cơ quan điều tra. “Thực tiễn công tác xét xử vẫn tồn tại một số bất cập như thiếu quy định cụ thể để chuyển các vi phạm pháp luật sang xử lý hình sự, dẫn tới một số vụ vi phạm không đủ căn cứ để chuyển xử lý hình sự”, ông Bùi Sĩ Doanh, Phó cục trưởng Cục BVTV nói.

Sẽ có Luật BV&KDTV

Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang kiến nghị Quốc hội ban hành Luật BV&KDTV, đồng thời sớm sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong công tác này. Khi luật đi vào cuộc sống sẽ là cơ sở để xử phạt các hành vi vi phạm có hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược quốc gia về BV&KDTV giai đoạn 2011-2020 làm định hướng đổi mới trong công tác này. Từng bước có lộ trình để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý BV&KDTV như vấn đề kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc BVTV. Cùng với đó là phân cấp mạnh cho địa phương song song với đầu tư nguồn lực để đảm bảo hiệu quả quản lý.