Trang trại trên vùng đất cát của ông Võ Danh, ở thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình (huyện Sông Cầu) đang “đẻ” ra tiền tỉ với những mô hình độc đáo.
NGƯỜI ĐẦU TIÊN NUÔI DÔNG
Ông Võ Danh là người đầu tiên ở Phú Yên nuôi dông và hiện có 6 hồ nuôi dông rằn xám với số lượng đếm không xuể. Ông Danh bảo rằng con dông là vật nuôi đầu tiên được ông đưa vào trang trại vì đây là động vật nuôi mới. “Mật độ thả nuôi 8-10 con/m2, trên cơ sở đó tôi thống kê được số lượng nuôi một hồ. Các hồ nuôi tổng cộng khoảng 15 tạ dông thịt”- ông Danh cho biết.
Ông Danh bắt đầu nuôi dông trong vùng cát ở trang trại từ năm 2004; ban đầu với số lượng nhỏ, chủ yếu là để theo dõi đúc kết kinh nghiệm. Sau 6 tháng, dông bắt đầu sinh sản. Những lứa dông con đầu tiên ra đời, ông Danh tiếp tục nuôi lớn. Thức ăn cho dông cũng rất đơn giản như các loại rau, củ, quả nên chi phí nuôi dông thấp. Tuy nhiên, con dông “kén” chỗ nuôi, phải được nuôi ở vùng cát để chúng đào hang. Trong hồ nuôi phải trồng cỏ cho dông có thức ăn tự nhiên. Ngoài ra, phải luôn giữ độ ẩm cho hồ. Những ngày nắng, cát nóng, trong 6 hồ nuôi của ông Danh, dông không ở hang mà chui dày đặc vào các bụi rậm tránh nóng.
Mới đây, ông chọn một tạ dông lớn xuất bán với giá 190.000 đồng/kg. “Không phải lo đầu ra cho con dông, chỉ cần nhấc điện thoại alô một tiếng là có người ở Sài Gòn ra nhận ngay”- ông Danh nói. Gần đây, có rất nhiều cuộc điện thoại từ TP Hồ Chí Minh gọi đến nhà ông đặt hàng. Đến nay, ông Danh đã thu nhập gần 300 triệu đồng từ nuôi dông. Hiện đã có 16 hộ ở xã Xuân Bình làm theo mô hình nuôi dông của ông Danh và được ông truyền nghề.
TRANG TRẠI TIỀN TỈ
Hai bên đường vào trong trang trại của ông Danh có bốn hồ nuôi ba ba. Hồ được thiết kế vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa đẹp mắt. Những ngày nắng nóng, những vòi nước phun tạo ô xy nên các hồ ba ba luôn mát mẻ. Ông Danh nói rằng nuôi ba ba không khó, chỉ cần nắm chắc kỹ thuật cho ăn. Với 6.000 con ba ba, mỗi con nặng từ 0,5-1 kg, giá ba ba thương phẩm hiện nay là 350.000 đồng/kg, ông Danh đang cầm chắc tiền tỉ. Trong trang trại của ông Danh còn nhiều vật nuôi khác. Ông Danh săn lùng các nơi để đưa kỳ đà về nuôi thử nghiệm. Ông tạo các hồ nước mặn để nuôi cá hồng. Ngoài ra, ông thiết kế chuồng trại khép kín để nuôi 20 con heo, hơn 200 con gà. Trong trang trại, ông Danh trồng 1,3 ha dừa lai từ năm 2003, đến nay cho quả; 3.000 cây xoài ghép, 2.000 cây trồng dọc theo các lối đi vào các hồ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bình Phạm Văn Sang nói: “Ở vùng đất cát Xuân Bình, chưa ai mạnh dạn đầu tư. Song mô hình trang trại của ông Danh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương”. Còn Chủ tịch UBND xã Xuân Bình Nguyễn Tường Lâm đánh giá: “Mô hình trang trại của ông Danh có một không hai ở Sông Cầu vì vừa quy mô, vừa mang tính khoa học”.