00:00 Số lượt truy cập: 2999311

“Bật khóc” nhìn chuồng trại bỏ hoang 

Được đăng : 03/11/2016

Thời điểm này, trong khi nông dân nhiều nơi đang “ăn nên làm ra” nhờ nuôi lợn thì người dân ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) lại phải nhìn cảnh chuồng trại bỏ hoang. Đại dịch tai xanh năm 2008 đã khiến bà con thiệt hại nặng nề đến nỗi không còn đủ can đảm bỏ vốn đầu tư vào chăn nuôi.


HTXNN Diễn Tân trước đây vốn là một trong những nơi nuôi nhiều lợn nhất Diễn Châu. Khoảng 3, 4 năm về trước, ở đây có hàng chục trang trại nuôi lợn với hàng ngàn con. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua thức ăn và con giống; thậm chí có hộ còn vay cả tiền tỷ để mở rộng quy mô sản xuất. Ở thời điểm đó, chăn nuôi lợn đã trở thành phương thức hữu hiệu giúp người dân thoát nghèo.

Mỗi năm với 3 lứa lợn xuất chuồng, các chủ trang trại ở Diễn Tân thu về hàng chục triệu tiền lãi, những hộ chăn nuôi lớn thu trên trăm triệu. Đời sống người dân ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đại dịch tai xanh bùng phát đầu năm 2008 đã thổi bay tất cả. Hàng trăm con lợn đến tuổi xuất chuồng bị chết hoặc tiêu hủy, hàng ngàn con không thể bán ra thị trường đã khiến người dân lâm vào cảnh tay trắng. Không những thế, họ còn ôm thêm đống nợ.

Bà Đào Thị Năm, một chủ trang trại cho biết: “Mấy năm trước nuôi lợn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhà tôi nuôi mỗi lứa dăm chục con lợn, mỗi năm lãi ròng khoảng 80-100 triệu đồng. Số tiền đó chúng tôi bỏ hết vào đầu tư mua đất xây dựng, mở rộng thêm trang trại. Thời điểm bùng phát dịch tai xanh, gia đình tôi có gần 100 con sắp xuất chuồng nhưng không thể bán”. Tiền mất, công sức chăn nuôi mấy tháng trời trở thành công cốc, nông dân Diễn Tân từ chỗ khá giả trở nên điêu đứng.

Ông Cao Thanh Tao, một hộ dân ở xóm 1 Diễn Tân cho hay: “Sau đại dịch, chúng tôi dù được hỗ trợ nhưng vẫn chịu nợ nần, đành phải đi khắp nơi làm ăn kiếm tiền trả nợ. Còn trang trại thì bỏ hoang suốt 3 năm nay rồi”. Không chỉ riêng ông Tao, các hộ dân ở đây đều đã “nói không” với nuôi lợn vì sợ lành ít dữ nhiều.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Diễn Tân, trong đợt dịch bệnh tai xanh năm 2008, toàn xã có hơn 430 con lợn, 23 con trâu bò nhiễm dịch và bị thiêu hủy. Tổng thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng. Hơn 7.000 con lợn trong thời điểm bán bị cấm vận hoàn toàn gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Thế nhưng thời gian qua, giá lợn đột ngột dựng đứng, nghề nuôi lợn đã có thể “hái ra tiền”. Nông dân Diễn Tân ngán ngẩm khi nhìn ra hàng chục trang trại bỏ hoang ngoài đồng. “Nếu bây giờ còn chăn nuôi như trước thì gia đình tôi đã có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Thấy giá lợn hơi “sốt” như thế chúng tôi xót quá!”, ông Tao phàn nàn.

Không riêng gì ông Tao, người dân khi được hỏi đều cho rằng họ cảm thấy vừa buồn vừa tiếc. Bà Năm chép miệng: “Khi bỏ vốn xây chuồng trại chúng tôi dự định làm ăn lâu dài, thế nhưng chỉ một đợt dịch tai xanh đã mất hết cả vốn lẫn lãi. Bây giờ, biết nuôi lợn là lãi to đấy nhưng khổ nỗi chúng tôi không có vốn để đầu tư”.

Ông Lưu Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã Diễn Tân cho biết: “Sau đại dịch tai xanh 2008, xã chúng tôi bị thiệt hại nặng nề, phần lớn xã viên chăn nuôi đều bị vỡ nợ. Hiện có hộ nợ tới tiền tỷ như trường hợp anh Nguyễn Lương ở xóm 1 nợ ngân hàng tới 2,7 tỷ đồng. Các hộ nợ chục triệu, trăm triệu thì nhiều vô kể”. Ông Hanh cho biết thêm: Việc khôi phục lại các chuồng trại nuôi lợn đang gặp rất nhiều khó khăn do Diễn Tân là xã nghèo, bà con thiếu vốn. Hơn nữa đa số hộ chăn nuôi còn mang nợ nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Do đó, tình trạng chuồng trại bỏ hoang là điều dễ hiểu.

 “Chúng tôi kiến nghị cấp trên và các ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ để người dân có thể khôi phục lại hoạt động chăn nuôi, ổn định cuộc sống lâu dài” – ông Hanh nói.