00:00 Số lượt truy cập: 2663062

Bệnh bồ hóng trên cây sapôchê và cách phòng trị 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Trên cây sapôchê ở chỗ chúng tôi thường thấy một chứng bệnh như sau: trên lá, cành, trái xuất hiện một lớp bồ hóng đen bao phủ, nhiều khi dày đặc hết cả lá, trái... Nếu lấy tay hoặc giẻ ướt lau thì lớp bồ hóng này sẽ hết. Cùng xuất hiện với hiện tượng này thì thấy trên cây (chủ yếu là trên những đọt non, lá non, trái) có nhiều con vật nhỏ như hạt mè, màu trắng bám dính trên những bộ phận này. Xin cho biết chứng bệnh này có nguy hiểm cho cây sapôchê hay không. Nếu có xin được chỉ dẫn cách phòng trị?


Đào Văn Thịnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Đáp: Qua mô tả của bạn chúng tôi cho rằng hiện tượng đang xuất hiện trên cây sapôchê nhà bạn là một loại bệnh mà các nhà chuyên môn thường gọi là bệnh bồ hóng. Bệnh do nấm Capnodium sp. gây ra, loài nấm này sống hoại sinh trên lớp mật do các loài rầy rệp... tiết ra trong chất bài tiết của chúng, vì thế bệnh này bao giờ cũng đi kèm với sự xuất hiện của các loại rầy, rệp trên cây. Chúng tạo ra một lớp bồ hóng, màu đen bao phủ toàn bộ bề mặt lá, trái, cành non... của cây sapôchê (nơi có chất bài tiết của các loại rầy rệp) mà không tạo thành từng đốm riêng biệt. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời rầy rệp trên cây sapôchê thì bệnh sẽ phát triển rất mạnh và tạo ra một lớp bồ hóng đen bao phủ hầu hết tán cây, nhìn rất bẩn.

Khi lấy tay, lấy giẻ lau hoặc dùng nước để rửa thì lớp bồ hóng này sẽ hết, trả lại cho chỗ vừa lau màu xanh tự nhiên vốn có của nó (thực ra nó xanh nhạt hơn 1 chút). Do chúng không tấn công vào mô của cây nên không ảnh hưởng trực tiếp cho cây. Tuy nhiên, do chúng phát triển dày đặc phủ kín các bộ phận xanh của cây gây cản trở quang hợp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cây, khiến cho cây còi cọc, yếu sức, ra hoa kết trái ít, dẫn đến làm giảm năng suất của cây sapôchê, tức là chúng gián tiếp gây hại cho cây.

Muốn hạn chế bệnh chỉ cần phòng trừ các loại rầy rệp trên cây sapôchê từ đó sẽ không còn chất bài tiết của rầy rệp, nấm bồ hóng sẽ không còn thức ăn để phát triển. Để diệt rầy rệp, có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu như Supracide, Suprathion, Bian, Bi-58, Sumi-alpha, Applaud, Applaud-Mipc, DC-Tron Plus...

Dùng máy bơm nước có áp suất mạnh xịt tia nước vào chỗ có rầy rệp và lớp bồ hóng bu bám sẽ có tác dụng tiêu diệt và rửa trôi bớt rầy rệp và lớp bồ hóng trên cây. Để hạn chế nấm bồ hóng, bạn cần sử dụng thêm thuốc Tp-Zep 18EC./.