00:00 Số lượt truy cập: 2638434

Bệnh chổi rồng tàn phá nhãn miền Tây 

Được đăng : 03/11/2016
Đi về vườn nhãn huyện Châu Thành, Đồng Tháp, nơi đầu tiên vừa công bố dịch chổi rồng ở miền Tây, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những khuôn mặt ủ rũ của các nông dân.

Theo thống kê, toàn huyện có hơn 3.680 ha đất trồng nhãn thì hơn 3.550 ha bị bệnh chổi rồng. Theo Phòng NN-PTNT huyện, nếu tính giá nhãn bình quân hiện nay là 10.000 đồng/kg, các nhà vườn mất trắng 450-500 tỉ đồng. Bệnh chổi rồng đã càn quét khắp vườn nhãn lâu đời ở Châu Thành, nặng nhất là các xã An Nhơn, An Hiệp, Tân Nhuận Đông, thị trấn Cái Tàu Hạ, Phú Hựu, An Phú Thuận.

Tại xã An Nhơn, ông Sáu Hà kể, vườn nhãn của ông được 10 năm, mà cây nhãn càng già càng cho trái nhiều, trái càng ngọt. Vài tháng trước, thấy bông nhãn trổ bông như đầu lân, đầu rồng… Sáu Hà đau muốn khóc, vườn nhãn đã bệnh! Mấy đêm không ngủ vì quyết định phá vườn nhãn, nhưng tới ngày cầm cưa ra vườn ông lại đắn đo về việc nên cứu hay bỏ vườn nhãn đã dày công vun bón bấy lâu. Mà nếu cứu thì cứu cách nào? Người đàn ông này cuối cùng cũng phải thuê người phá nhãn làm củi bán.

Tại Vĩnh Long, báo cáo của Sở NN-PTNT cho biết hiện có hơn 2.100 ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, bệnh ở cây tỷ lệ từ 15-40%, cá biệt có cây bị nhiễm 90-100%. Trong đó, huyện Long Hồ nặng nề nhất với hơn 1.700 ha bị bệnh. Phát biểu tại hội thảo “Phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên nhãn” do Sở NN-PTNT tỉnh tổ chức hồi cuối tháng 8, Phó giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Trọng Danh đề nghị: “Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh và chưa có phương pháp phòng chống hiệu quả, việc sớm công bố dịch là rất cần thiết”.

Các hộ trồng nhãn ở Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang cũng lao đao với bệnh chổi rồng. Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, bệnh chổi rồng ở ĐBSCL đã đến mức báo động. Hiện đã có hơn 11.500/60.000 ha nhãn toàn vùng bị nhiễm bệnh, năng suất giảm từ 30 - 50%, nhiều địa phương nhà vườn thất thu hoàn toàn.