00:00 Số lượt truy cập: 2660305

Bệnh dịch tả trâu, bò lây truyền như thế nào? 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Bệnh dịch tả trâu, bò lây truyền như thế nào?

Lò Văn Nam (Mộc Châu, Sơn La) và một số bạn đọc.


Đáp:

Đặc trưng của bệnh dịch tả trâu, bò là vật bệnh cùng một lúc xuất hiện sốt cao và viêm loét miệng; khi nhiệt độ hạ thì ỉa chảy dữ dội. Bà con cần nắm rõ bản chất, tính lây truyền của bệnh để có biện pháp phòng và trị bệnh hiệu quả.

1. Loài vật mắc bệnh

Trâu, bò nhà và rừng, dê, cừu, hươu, nai, lợn nhà, lợn rừng, lạc đà đều có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh.

Ở nước ta, trâu bị bệnh nặng hơn bò. Trâu bị bệnh có thể chết 89%, bò bị bệnh có thể chết đến 50%.

Trong các ổ dịch, lợn cũng bị lây bệnh và chết. Ví dụ: ở Vĩnh Phú, năm 1950, trong các ổ dịch có nhiều lợn bị lây bệnh và chết.

Trâu và bò non 1-2 tuổi cảm thụ bệnh hơn con trưởng thành. Bê, nghé đang bú mẹ có sức đề kháng với bệnh do kháng thể truyền từ sữa mẹ sang con.

Thỏ cũng cảm thụ với bệnh, nhưng không cố định. Người ta truyền virút dịch tả trâu, bò cho thỏ liên tục đến đời thỏ 35 thì virút giết chết thỏ từ 5-7 ngày, nhưng không gây bệnh cho trâu, bò. Đó là giống virút Nakamura III dùng để chế tạo vắcxin phòng bệnh dịch tả trâu, bò.

2. Chất chứa virút

Virút dịch tả trâu, bò thích nghi trên niêm mạc, nhất là niêm mạc bộ máy tiêu hoá. Virút có trong các tổ chức; các dịch thể như: máu, sữa, mật; trong các dịch bài tiết ra ngoài như: nước bọt, nước tiểu, phân; trong các phủ tạng như: hạch, lách, phổi, thận...

Trâu, bò chửa thường bị sảy thai khi mắc bệnh.

3. Phương thức lây truyền

Bệnh lây lan trực tiếp từ trâu, bò bị bệnh sang trâu, bò khoẻ do tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chăn thả trong cùng bãi chăn. Trâu, bò khoẻ ăn uống phải mầm bệnh trong các dịch bài xuất từ trâu, bò bệnh thải ra sẽ bị lây nhiễm bệnh.

Bệnh cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, chân tay người nuôi dưỡng có dính virút truyền cho trâu, bò khoẻ. Các súc vật không cảm thụ như: gà, vịt, chó, chuột... cũng có thể mang virút từ khu vực bị ô nhiễm truyền cho trâu, bò.

Việc vận chuyển trâu, bò và giết mổ trâu, bò ốm trong các ổ dịch cũng là điều kiện làm cho dịch lây lan nhanh và rộng.

4. Mùa vụ và điều kiện phát sinh bệnh

Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu từ tháng 5 đến tháng 8.

Trâu, bò phải làm việc nặng, nếu nuôi dưỡng kém, sức đề kháng của chúng giảm thấp, thì sẽ rất dễ dàng bị lây nhiễm và phát bệnh.

Điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, chăn thả tự do, sẽ làm cho dịch lây lan nhanh.

Trâu, bò sau khi khỏi bệnh còn mang virút vài tháng. Động vật hoang dã bị bệnh cũng là những nguồn tàng trữ mầm bệnh trong tự nhiên, lây truyền cho đàn trâu, bò, làm cho bệnh dịch tả trâu, bò tồn tại lâu dài./.