Huỳnh Văn Tươi, Sa Đéc (Đồng Tháp)
Trả lời: Qua mô tả, chúng tôi cho rằng cây hoa cúc nhà bạn đã bị bệnh héo xanh. Bệnh này do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra, bệnh khá phổ biến trên cây hoa cúc ở những vùng nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, nhất là trong mùa mưa. Ngoài nhóm hoa cúc, bệnh còn gây hại cả cà chua, khoai tây, thuốc lá, các loại đậu đỗ… Bệnh có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây hoa cúc, nhưng thường hại nhiều ở giai đoạn cây đang tăng trưởng mạnh đến lúc ra nụ hoa.
Khi bị nhiễm bệnh cây đột ngột bị héo (tuy héo nhưng cây vẫn giữ được màu xanh vì thế gọi là bệnh héo xanh). Hiện tượng héo xảy ra rất nhanh, chỉ 1-2 ngày là cây đã bị héo hoàn toàn. Trên cây những lá non bị héo trước, rồi héo dần ra toàn cây. Nếu dùng dao sắc cắt ngang thân cành, bạn sẽ thấy trên bó mạch dẫn mô gỗ có màu nâu đen, nâu sẫm. Nếu bóp chặt vào gần chỗ miệng cắt sẽ thấy dịch nhờn vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra. Nếu nhúng chỗ cắt ngang thân, cành bị bệnh vào nước sẽ thấy dòng vi khuẩn trắng đục chảy ra từ mạch dẫn. Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh héo xanh vi khuẩn.
Nguồn bệnh tồn tại trong đất (từ 3-5 năm) và trong tàn dư của cây bị bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào gốc, rễ, thân và cuống lá qua vết thương cơ giới do con người vô ý tạo ra trong quá trình chăm sóc, do vết thương của côn trùng, tuyến trùng tạo ra trước đó, qua các lỗ hở tự nhiên của cây. Sau khi xâm nhập vi khuẩn lan theo bó mạch dẫn, sinh sản phát triển rất nhanh, sản sinh ra các men, độc tố phá hủy các mô tế bào, vít tắc mạch dẫn làm cản trở sự vận chuyển nước, chất dinh dưỡng trong cây, làm cây héo rũ nhanh và chết.
Bệnh lây lan qua nước tưới, nước mưa, qua hạt giống, qua tuyến trùng nốt sưng hại rễ, qua hoạt động chăm sóc của con người...Việc phòng trị bệnh héo xanh vi khuẩn hại cây hoa cúc khá phức tạp, vì hiện nay chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu, vì thế bạn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh là chính. Cụ thể như sau:
- Trước khi trồng, thu gom sạch sẽ tàn dư của cây hoa cúc (và những cây ký chủ khác) ở vụ trước đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để giảm bớt nguồn bệnh ban đầu (tuyệt đối không được vứt bỏ tàn dư cây bệnh xuống mương nước tưới cho ruộng cúc sau này).
- Làm luống cao để dễ thoát nước. Không trồng quá dày, để ruộng cúc luôn thông thoáng, khô ráo.
- Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục hoặc tro trấu, bón thêm vôi bột, phân lân và kali để tăng sức đề kháng cho cây.
- Chọn cây giống sạch bệnh, không lấy giống ở những ruộng đã bị bệnh.
- Nếu có điều kiện nên ngâm nước ruộng khoảng 10-15 ngày hoặc cày phơi đất trước khi trồng.
-Trong quá trình chăm sóc tránh tạo vết thương cơ giới cho cây, để hạn chế cửa ngõ xâm nhập của vi khuẩn.
- Kiểm tra ruộng cúc thường xuyên, phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây đã bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để tránh lây lan. Sau khi nhổ bỏ bón vôi bột vào chỗ vừa nhổ để khử trùng đất. Có thể dùng thuốc Starner 20WP để phun xịt khi cây chớm bị bệnh.
- Nếu đã áp dụng nhiều biện pháp mà bệnh không giảm, có thể do ruộng cúc của nhà bạn đã tích lũy quá nhiều nguồn bệnh. Gặp trường hợp này, nếu điều kiện cho phép bạn nên luân canh một vài vụ với cây trồng nước như lúa, rau muống, rau nhút…