Những chú hươu còn sót lại ở làng Quỳnh (ảnh lớn).
Một đôi nhung hươu vừa cắt (ảnh nhỏ).
Thủ phủ của hươu
Nghề nuôi hươu ở Quỳnh Lưu manh nha những năm 1928, 1930 tại vùng Quỳnh Tiến (xã Tiến Thuỷ) và đây là địa phương xuất hiện nghề nuôi hươu sớm nhất nước. Năm 1990, đàn hươu huyện Quỳnh lên tới 1,2 vạn con. Khi đó, lộc nhung đắt đỏ, quí như vàng, một con hươu “bằng ba con tám mốt” (giá trị ngang bằng ba chiếc Honda Super Cub đời 1981).
Các đại gia trong Nam, ngoài Bắc đổ về Quỳnh Lưu thu gom lộc hươu. Vỗ về đàn hươu, nhiều nhà nông tìm được vận may đổi đời. Họ bán lộc hươu, bán con giống, xây nhà, mua tivi, xe máy.
Tiếng tăm đàn hươu Quỳnh Lưu chợt vang dội và vụt tắt trong một thời gian ngắn, khi thị trường lộc hươu bão hoà và đàn hươu phát triển quá ồ ạt. Năm 2000, lộc hươu rớt giá thê thảm, hươu giống rẻ như bèo, chỉ bán được với giá vài trăm ngàn đồng/con. Nông dân vật hươu ra làm thịt. Chuồng trại phá bỏ. Buồn tình, một doanh nghiệp tại xã bãi ngang Quỳnh Lập gom 20 hươu con phóng sinh, thả vào rừng.
Năm 2005, lộc hươu đắt trở lại, nhờ đó đàn hươu được khôi phục. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu, thời điểm này số lượng đàn hươu toàn huyện lên tới gần 7.000 con. Năm 2007: trên 1 vạn con.
Hiện nay, Nghệ An vẫn là tỉnh đứng đầu bảng trong cả nước về số lượng đàn hươu, với hơn 1,5 vạn con. Quỳnh Lưu là thủ phủ của hươu, 43 xã, thị trấn trong huyện, chỗ nào cũng có chuồng nuôi hươu. Cách đây vài năm, hai huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Hương Sơn (Hà Tĩnh) được chọn tham gia Dự án Bảo tồn động vật hoang dã do một tổ chức nước ngoài tài trợ.
Chúng tôi được dự một bữa tiệc do gia chủ, ông Nguyễn Bắc Trọng trú tại xóm 1 khoản đãi, sau khi cắt lộc hươu. “Cặp lộc nặng khoảng 0,7kg, bán được 7 triệu đồng!”, ông Nguyễn Bắc Trọng hồ hởi. Như thường lệ, sau khi cắt lộc hươu, gia đình nuôi hươu tổ chức bữa tiệc thết đãi hàng xóm. Món quí nhất là huyết lộc hươu pha với rượu mà nghe nói, uống vào khoẻ như vâm.
Chuyên viên chăn nuôi Vũ Ngọc Quí gắn bó với bà con nông dân huyện Quỳnh mấy chục năm, bảo nghề nuôi hươu là nghề hái ra tiền. Một con hươu giống mua với giá dăm ba triệu đồng, sau hai năm có thể cho lứa lộc đầu tiên. Nuôi hươu dễ nuôi hơn lợn, gà, dê, mau thu hồi vốn. Hằng ngày, hộ chăn nuôi chỉ cần hái một ít lá cây thả vào chuồng, túc tắc như vậy từ đầu năm đến cuối năm đã có thể kiếm được tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu.
Hươu non, mỗi lần cắt lộc thu được khoảng 0,6kg/cặp lộc, với giá 10 triệu đồng/kg như hiện nay nhà nông cũng thu về 6 triệu đồng/con. Nhiều con hươu có cặp lộc nặng trên 1,5kg, bán được 15 triệu đồng. Nghề nuôi hươu thịnh hành, tư thương tứ xứ đổ về, lộc cắt đến đâu bán đến đấy. Mùa đông tháng giá, đường đi cách trở, nhung hươu không sợ hư hỏng vì đã có tủ lạnh bảo quản.
Người chăn nuôi buồn bã bên chiếc chuồng trống không.
Đại dịch
Cuối năm 2010, đầu 2011, hươu Quỳnh Lưu đứng trước nguy cơ tan đàn xẻ nghé, toàn huyện có 483 con hươu bị chết. “Nhiều con đang khoẻ mạnh, ăn uống bình thường, sáng mai bỗng lăn đùng ra chết. Nông dân rất lo lắng vì chưa tìm được thuốc chữa trị!”, một lão nông băn khoăn.
Các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Xuân, Quỳnh Bảng, Quỳnh Vinh, những địa phương có số lượng đàn hươu đông đúc đang báo động đỏ dịch bệnh tràn lan, làm hươu chết hàng loạt. Xã Quỳnh Yên đứng top đầu với số lượng hươu nuôi gần 2.000 con, đến nay đã có hàng trăm con ngã bệnh.
“Hươu bị bệnh có triệu chứng bỏ ăn, sốt cao, sút cân. Một số con xuất huyết ở mũi, dạ dày. Cơ quan thú y mổ kiểm tra, phát hiện hươu chết có dấu hiệu phù nề ở gan, dạ dày!”, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết.
Trước Tết vừa rồi 2011, đàn hươu tại Quỳnh Lưu nhiễm bệnh. Ban đầu, người chăn nuôi nghĩ là hươu bị bệnh tụ huyết trùng, bèn tiêm kháng sinh, bệnh vẫn không thuyên giảm. Vài con hươu ở Quỳnh Yên chết, bệnh lan đến Quỳnh Bảng, Quỳnh Xuân. Bệnh lạ tấn công đàn hươu ồ ạt và bí hiểm khiến nông dân không kịp trở tay. Có gia đình nuôi 6-7 con hươu cái và hươu lấy lộc, nay đều bị chết.
Chuyên viên phụ trách chăn nuôi Phòng NN Quỳnh Lưu Vũ Ngọc Quí nói: “Trận rét đậm kéo dài trước và sau Tết Nguyên đán làm suy giảm hệ miễn dịch của đàn hươu, là một tác nhân gây bệnh!”. Bảo vệ đàn hươu, nhiều hộ nông đốt rơm, dùng chăn bông ủ ấm cho hươu, chống chọi giá rét, nhưng bất lực.
Với người nông dân huyện Quỳnh, con hươu quí như “đầu cơ nghiệp”, có thể giúp nhà nông cải thiện kinh tế gia đình. Hươu giống lên giá, lộc hươu cắt đến đâu bán đến đấy, không sợ thua lỗ, nhiều hộ nông vay mượn tiền của ngân hàng đầu tư cho đàn hươu. “Nhiều đôi vợ chồng mới cưới, cắm bìa đất vay tiền nuôi hươu mong cuộc sống khấm khá lên, giờ hươu ngã bệnh chết, họ thành kẻ trắng tay!”, ông Quí kể.
Mất mùa
Ông Vũ Ngọc Quí dẫn chúng tôi về Quỳnh Yên, làng có đàn hươu đông nhất và cũng là nơi hươu chết hàng loạt. Thôn xóm đìu hiu. Những chuồng trại trống không. Nông dân chạy đôn chạy đáo tìm bác sỹ thú y. “Nhà tôi, hươu chết hết cả rồi, tất cả là 5 con, chẳng còn một mống nào!”, chị Thuỷ trú tại làng Yên nói.
"Ông Nguyễn Thọ Cảnh, GĐ Sở NN-PTNN Nghệ An cho biết, cơ quan thú y địa phương đã về vùng dịch lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm sẽ được công bố trong vài ba ngày tới. " |
Chị Nguyễn Thị Nhị (47 tuổi) và chồng Phan Văn Nghiêm (49 tuổi) đẻ một lèo 10 đứa con, nhà nghèo càng thêm nghèo. Để cải thiện cuộc sống, ngoài nghề làm ruộng, vợ chồng chị vay vốn dựng chuồng nuôi 5 con hươu.
“Con hươu đầu đàn to lớn, nặng trên năm chục cân, mỗi mùa cắt được 1,2 kg lộc, giá cả như hiện nay cũng kiếm được khoảng 12 triệu đồng. Khỏe mạnh thế, bỗng nhiên nó ngã bệnh chết!”, chị Nhị xót xa. Vợ chồng chị kêu nhân viên thú y xã đến tiêm kháng sinh cho 4 con hươu còn lại. Hươu đực đầu đàn chết, tiếp đó 2 con hươu cái lâm bệnh, ra đi.
Ông Nguyễn Văn Kế (xóm 7, Quỳnh Yên) nuôi 16 con hươu, nai. Ngoài nghề chăn nuôi hươu, ông Kế chuyên đi thu gom lộc hươu về bán cho tư thương. Từ chỗ đói nghèo, vợ chồng ông trở nên khá giả trong làng. Đàn hươu của gia đình ông được chăm sóc chu đáo, nhưng vẫn không tránh được đại dịch.
Cận Tết 2011, một chú hươu nhỏ ngã bệnh, lần lượt đến 5 con khác, khiến ông thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vợ ông Kế cho biết, mỗi năm, gia đình thu hoạch được 1,2 yến lộc hươu, lãi trên 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, lỗ vốn vì số lộc nhung bán được không đủ bù cho số hươu chết, chưa tính tiền thuốc kháng sinh chữa trị.
“Tại xã Quỳnh Yên, nhà nào cũng có hươu bị chết. Có người nuôi vài chục con, chết dăm bảy con. Trong chuồng nhiều hộ không còn mống nào!”, nhân viên thú y Hồ Duy Thao nói. Hai tuần qua, ông phải chạy đôn chạy đáo làng trên xóm dưới, mang thuốc đi tiêm cho từng con hươu.
Phương pháp chữa trị của ông là sử dụng kháng sinh tổng hợp và hạ sốt Anagin. Kháng sinh gồm các loại: Neotesol, Lanhcosin, Penixilin, Hanmolin… tùy từng trường hợp bệnh lý mà cho thuốc. Ông Thao nói, tỉ lệ ông chữa trị khỏi cho đàn hươu là “trên 50 phần trăm”.
Dịch bệnh tấn công đàn hươu, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân Nghệ An nhưng không vì thế mà nhà nông bỏ nghề nuôi hươu. “Hy vọng dịch bệnh sẽ qua đi, nhà tôi lại khôi phục đàn hươu để kiếm sống vì bao năm nay gia đình tôi đã gắn bó với nghề này!”, chị Hương ở làng Quỳnh cho biết.
Bạn đọc có thể gửi phản hồi chia sẻ, trao đổi, tư vấn phương pháp chữa trị bệnh lạ, cứu đàn hươu cho người dân tại các huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu (Nghệ An). |