00:00 Số lượt truy cập: 2670072

Bệnh lị trực trùng 

Được đăng : 03/11/2016

Cũng như các bệnh tiêu chảy nhiễm trùng khác, bệnh lị trực trùng (còn gọi là xích lị) thường xảy ra vào mùa nóng nực, tháng 7-8 hàng năm, lây nhiễm qua thức ăn, nước uống, ruồi nhặng sinh nở tràn lan, nếu công tác vệ sinh kém sẽ dễ phát triển thành dịch, tổn hại sức khỏe nhiều người. Có 4 chủng vi khuẩn gây lị trực trùng, trong đó shiga gây bệnh thể tối cấp diễn biến rất nặng, có thể gây tử vong trong 1-2 ngày, còn các chủng khác chỉ gây những thể lị nhẹ, có khi chuyển thành mãn tính. Bệnh nhân mắc thể lị thường rất lâu lại sức.


Hội chứng lị trực trùng dễ nhận biết khi có các biểu hiện sốt cao 39-40oC, đau bụng liên tục, dội lên từng cơn, bắt đi ngoài, các cơn mót rặn do co thắt cơ tròn hậu môn, đi cầu nhiều lần trong ngày tùy thể lị, mất nước nặng. Các thể nhẹ chỉ gây tháo dạ rồi tự khỏi sau 2-4 ngày. Các thể nặng bệnh nhân sút cân nhanh, sau 3-4 ngày mê sảng, có thể hôn mê và tử vong… Vi khuẩn lị gây viêm tổn thương vùng trực tràng, co thắt cơ hậu môn gây mót rặn, đi cầu nhiều lần, có thể cơ trơn chuyển sang liệt làm hậu môn nở to, bệnh nhân không còn mót rặn mà phân tự chảy ào ra. Có thể hoại tử ruột, phân lẫn chất màu nâu sẫm, rất nặng mùi. Nếu ra máu tươi nhiều là đã biến chứng xuất huyết hoặc thủng đại tràng, người xanh tái, mạch nhanh, chân tay lạnh… Nếu biến chứng viêm thượng thận cấp, bệnh nhân chuyển sang thổ tả, phân toàn nước màu vàng, bụng lõm xuống, mạch nhanh, suy kiệt nhanh chóng, dễ chết. Ngay cả khi khỏi bệnh, trong thời gian lại sức, vi khuẩn lị cũng có thể gây phù, thấp khớp, teo cơ, không gây cứng khớp và không ảnh hưởng tim.

* Phòngbệnh

- Luôn nhớ ăn chín uống sôi, dùng nước sạch, rửa tay trước khi ăn, vệ sinh xung quanh nhà, diệt ruồi - chuột…

- Diệt ruồi hiệu quả bằng các bài thuốc sau:

1. Bách bộ 5g sắc kỹ trong 100ml nước, mỗi lần dùng 5-10ml nước thuốc hòa một ít đường, để vào đĩa cho ruồi hút, diệt ruồi tốt.

2. Rau nghễ tươi 50g sắc trong 100ml nước, dùng như bài (1).

3. Cúc trừ sâu 3g, rễ cây thuốc cá 2g - sắc và dùng như bài (1).

4. Cổ dái - tán bột, mỗi lần dùng 5-10g bột trộn ít đường và nước, để ruồi ăn.

5. Mần tươi 50g, rau mũi mác 100g - sắc với 200 ml nước, pha ít đường để ruồi ăn.

Tác dụng: Diệt ruồi tốt, gà vịt ăn ruồi chết không ngộ độc.

- Phòng kiết lị nói chung, thường ăn rau diếp cá, mã đề, bắp cải, tỏi. Hạt đậu giải 100g (bỏ vỏ, dồn vào đoạn ruột già lợn, nấu chín ăn); rau sam 200g (rửa sạch, giã nhuyễn, chưng với ít đường phèn ăn) - Tác dụng: Chữa lị, viêm ruột cấp. Củ cải đường hay bột sắn dây - nấu ăn, tác dụng: chữa lị ra máu. Rễ nạc hoa hiên - thái lát, nấu với thịt lợn nạc ăn - tác dụng: chữa lị trực trùng.

* Chữa bệnh:

- Các trường hợp lị trực trùng diễn biến nặng ngay từ đầu, cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu.

- Các trường hợp nhẹ có thể sử dụng một số bài thuốc sau:

+ Lá mơ tam thể 150g - rửa sạch, giã nát; trứng gà 2 quả chỉ lấy lòng đỏ; tỏi 2 củ to - giã nhỏ; ít muối rang; tất cả trộn đều hấp chín ăn, 1-2 lần/ngày; 3-5 ngày liền.

+ Hoa đại 200g - sắc với 2 lít nước, để sôi 15 phút, để nguội, người lớn uống 100-200 ml/lần, 2-3 lần/ngày, 3-5 ngày liền, trẻ em dùng ¼-1/2 liều người lớn.

+ Mã đề 100g, kim ngân 30g - sắc uống, 2-3 lần/ngày. Tác dụng: chữa lị cấp và mãn tính.

+ Húng chanh 50g, bông súng 100g – sắc uống.

+ Mộc nhĩ - sao giòn, tán bột, uống 1 thìa cà phê (5g)/lần. Tác dụng: Chữa lị ra máu.

+ Quả (rễ, thân) cà dái dê 50g - sắc uống. Tác dụng: Chữa lị ra máu, loét ruột xuất huyết.

+ Ké hoa đào 30g, chè khô 5g - sắc uống.

+ Bạch cập 12g ,bạch chỉ 10g, chỉ thực 12g, hoàng liên 12g, hoàng đằng 12g, thược dược 12g, trạch tả 12g, tam thất 5g, kha tử 5g, ngũ bột tử 5g, hoàng cầm 12g, kim ngân 12g , hà thủ ô 12g - sắc uống, 1-2 thang/ngày, 3-5 ngày/đợt; sau khi dứt lị, uống thêm một đợt nữa ngừa biến chứng teo cơ.

+ Bạch đầu ông 40g,hoàng liên 16g,mộc hương 16g, trần bì 8g, xích thược 12g, kim ngân hoa 16g, địa du 16g, hoàng bá 12g, đơn bì 12g, chỉ xác 8g - sắc uống, 1-2 thang/ngày.

+ Phối hợp day bấm các huyệt sau:

Quan nguyên B/XIV.4

Trung quản B/XIV.12

Trung lữ du G/VII.29

Hội dương G/VII.25