00:00 Số lượt truy cập: 3080304

Bệnh lùn sọc đen gây hại ở các tỉnh phía Bắc: Khả năng bệnh sẽ lan xuống phía Nam? 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là nhận định của ông Bùi Sỹ Doanh, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về những ảnh hưởng của bệnh lùn sọc đen đối với sản xuất vụ đông xuân 2009 - 2010. Ông Doanh cho biết:

Lúa bị bệnh lùn sọc đen.
Đến thời điểm này, bệnh đã xuất hiện ở 22.800ha lúa thuộc 24 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó nặng nhất là Thái Bình với 17.800ha. Đặc biệt, bệnh đã bắt đầu lan xuống Thừa Thiên - Huế và lên Yên Bái. Đến nay, cả nước đã có 3 tỉnh công bố dịch là Thái Bình, Ninh Bình và Quảng Trị; 2 tỉnh chuẩn bị công bố là Hải Phòng và Bắc Ninh... Tất cả những tỉnh này đều thành lập ban chỉ đạo. Chỉ tính riêng trong tuần qua, cả nước đã có thêm 1.000ha lúa bị nhiễm bệnh.

Trước tình trạng này, ngành bảo vệ thực vật đã nhanh chóng triển khai phun trừ rầy cho trên 14.000ha lúa và tiêu hủy 19,4ha. Theo nhận định của chúng tôi, khả năng bệnh sẽ lây xuống các tỉnh phía Nam.

Cục Bảo vệ thực vật đã có khuyến cáo gì đối với các ngành chức năng và bà con nông dân đối với việc phòng chống dịch bệnh, thưa ông?

Hiện, bệnh đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số tỉnh miền Trung. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho cán bộ bảo vệ thực vật ở các địa phương này để họ nhận biết dấu hiệu của bệnh, tiến hành các biện pháp phòng trừ hiệu quả. ở khu vực này có hệ thống bẫy đèn rất tốt, nên việc diệt rầy mang nguồn bệnh sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, do đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước trong khi bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vẫn diễn ra nên họ vẫn đang triển khai hệ thống quản lý rầy khá tốt. Cho đến nay, tại các tỉnh phía Nam vẫn đang thực hiện chính sách dịch.

Thưa ông, khi mới phát hiện bệnh, các ngành chức năng của địa phương đã quyết liệt vào cuộc nhưng dịch vẫn lây lan ra diện rộng, tại sao vậy?

Đặc điểm của bệnh lùn sọc đen là do một loại vi -rút gây ra. Bệnh này xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2002, sau đó lan sang nước ta. Bệnh không truyền qua hạt lúa giống, đất mà lây từ cây bệnh sang cây khỏe do rầy lưng trắng môi giới. Điều đáng lưu ý, nếu như trước đây vi-rút này chỉ thích nghi trong môi trường lạnh thì nay đã xuất hiện ở vùng nóng.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, cũng có thể bệnh đã xuất hiện ngay từ giai đoạn mạ nhưng chúng ta không phát hiện ra và chỉ đến khi bước vào thời kỳ lúa đẻ nhánh mới có biểu hiện bệnh. Đơn cử như ở Nam Định, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất bởi bệnh lùn sọc đen năm 2009, đến nay tỉnh này vẫn chưa xuất hiện bệnh. Điều này là do bà con nông dân làm tốt khâu phun thuốc phòng từ giai đoạn mạ.

Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng trừ bệnh là gì, thưa ông?

Bên cạnh những thuận lợi như chúng ta đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và phát hiện sớm thì khó khăn lớn nhất là bệnh lùn sọc đen mới xuất hiện nên cần phải nhanh chóng tập huấn cho bà con; ở phía Bắc hệ thống bẫy đèn chưa nhiều; thời tiết lạnh; chính sách hỗ trợ dù đã có nhưng nhiều địa phương vẫn không chủ động thực hiện.

Nhiều người lo ngại bệnh lùn sọc đen sẽ làm ảnh hưởng tới năng suất lúa vụ đông xuân 2009 - 2010. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng năng suất lúa vẫn đảm bảo và không ảnh hưởng gì tới sản lượng chung của cả nước trong vụ này. Phương châm chỉ đạo phòng chống dịch của chúng tôi là cố gắng bảo vệ cây lúa, hạn chế đến mức tối đa việc tiêu huỷ, chỉ với những diện tích đã được xác định là không cho năng suất mới phải hủy.

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi lo ngại nhất là vụ mùa tới. Vụ mùa các tỉnh miền Bắc sát với vụ đông Xuân, thậm chí một số tỉnh còn gieo cấy sớm, nếu không kịp thời phòng trừ, rầy sẽ di chuyển và lây sang mạ.

Ông dự đoán đến bao giờ bệnh lùn sọc đen được khống chế?

Đến nay, loại vi-rút gây bệnh lùn sọc đen vẫn chưa có thuốc đặc trị. Hiện, Viện Lúa quốc tế đang cùng với Trung Quốc và Việt Nam tiến hành nghiên cứu nhằm đưa ra biện pháp phòng trừ không chỉ ở các nước đã xuất hiện mà ngay cả những nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi khuyến cáo nông dân cần tập trung cứu lúa, xử lý triệt để rầy mang vi-rút truyền bệnh này. Khi dịch đã xuất hiện, bà con phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan BVTV địa phương, thường xuyên giám sát ruộng, khi phát hiện rầy phải phun trừ đồng loạt. Những cây lúa bị bệnh phải nhổ, chôn sâu chứ không nên bón nhiều đạm, tăng cường lân và kali cho cây khỏe.

Xin cảm ơn ông!