00:00 Số lượt truy cập: 3084560

Biến đổi khí hậu - Thách thức toàn cầu 

Được đăng : 03/11/2016
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vì thế, ngay từ bây giờ, đối phó với thách thức này đang trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Khí hậu biến đổi khiến môi trường suy thoái nặng nề.

Việc Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là: “Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, cho thấy sự quan tâm của toàn thế giới đối với vấn đề này

Khủng hoảng im lặng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ là vấn đề môi trường mà là vấn đề về phát triển bền vững. “Báo cáo về ảnh hưởng đối với con người: Biến đổi khí hậu - mổ xẻ khủng hoảng im lặng” được Diễn đàn Nhân đạo toàn cầu (GHF) công bố ngày 29/5/2009 cho thấy, BĐKH mỗi năm giết chết 300.000 người. Trong đó, 90% là do môi trường suy thoái dần, 99% tử vong là từ các quốc gia đang phát triển, vốn đóng góp chưa đến 1% lượng khí thải cacbon gây tình trạng ấm dần lên trên toàn cầu. Báo cáo cũng cảnh báo BĐKH sẽ khiến toàn bộ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về giảm đói nghèo, trẻ em chết yểu và lan tràn dịch bệnh sẽ khó thành hiện thực. BĐKH cũng sẽ khiến hàng trăm triệu người thiếu nước sinh hoạt vào năm 2030.

Hạn hán kéo dài tại nhiều nơi

Hậu quả của BĐKH cho đến nay vẫn được ví như “khủng hoảng im lặng”, do ít được chú tâm. Ông Kofi Annan - Chủ tịch GHF nhấn mạnh: “Khủng hoảng này đang đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, sản lượng lương thực và an ninh quốc gia, căng thẳng chính trị”. Theo báo Independent ngày 30/5, trong cuộc hội thảo về BĐKH trong 3 ngày tại London, các nhà khoa học đoạt giải Nobel đã cảnh báo: BĐKH đe dọa gây thiệt hại tương đương một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khẩn trương giải quyết vấn đề này. Hội thảo đưa ra khuyến nghị: không bảo vệ được rừng nhiệt đới, sẽ không có giải pháp nào để giải quyết sự BĐKH.

Mỗi một năm chúng ta mất 13 triệu hécta rừng, khoảng 600 triệu hécta đất bị hoang mạc hóa, đa dạng sinh học bị suy giảm với hàng trăm nghìn loài bị tiệt chủng... Khí hậu của chúng ta bị biến đổi và tác động đó làm cho sự sống trên trái đất mất đi và gây thảm họa chưa thể lường hết. Vì thế, chúng ta phải liên kết lại.
(Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường)

Cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực để ứng phó với thách thức này, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển như về tỷ lệ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Vì thế, Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 15 được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) vào cuối năm nay rất được kỳ vọng là sẽ đưa ra được một thỏa thuận tiếp theo về chống BĐKH, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Nỗ lực của Việt Nam

Các nhà khoa học khẳng định, Việt Nam là một trong những nước bị tác động nặng nhất của BĐKH. Hiện tại, thiệt hại do thiên tai mỗi năm chiếm tới 1,5% GDP của Việt Nam. Tới năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 2,30C, mực nước biển dâng thêm khoảng 0,74m. Hàng triệu cư dân ở những khu vực gần bờ biển sẽ bị tác động trực tiếp, ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động to lớn đến những thành quả về xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mức thiệt hại trung bình do tác động của sự BĐKH ở 4 nước: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể ở mức 6,7% GDP vào năm 2100, gấp đôi mức thiệt hại của toàn thế giới. ADB cảnh báo, nông nghiệp của 4 quốc gia này là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất với một diện tích lớn đất sản xuất sẽ biến mất.

Trong khi đó lũ lụt và những cơn bão bất thường lại thường xuyên xảy ra.

Đứng trước thách thức to lớn đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tích cực. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Việt Nam đã phát triển và áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn môi trường; khuyến khích phát triển công nghệ thân thiện với môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính; có nhiều nghiên cứu để đối phó với khả năng mực nước biển tăng lên vào năm 2100. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đã được Thủ tướng thông qua vào ngày 2/12/2008 với mục tiêu chiến lược là: Đánh giá những tác động của BĐKH lên những lĩnh vực và khu vực trong một giai đoạn cụ thể và phát triển những kế hoạch hành động để đối phó hiệu quả với BĐKH trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Chương trình sẽ được thực hiện trên toàn quốc, trong 3 giai đoạn: 2009 - 2010 là giai đoạn khởi động; 2011 - 2015 là giai đoạn triển khai và sau 2015 là giai đoạn phát triển. Tổng kinh phí dự kiến từ 2009 - 2015 là 1.965 tỷ đồng. Ngày 29/5/2009, ngành nông nghiệp cũng đã công bố khung chương trình hành động thích ứng BĐKH của ngành và coi đây là chương trình ưu tiên hàng đầu của ngành.

Tuy nhiên, dù cấp vĩ mô đã ý thức được tác động nghiêm trọng của BĐKH nhưng nếu ý thức của người dân chưa được nâng cao, nếu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn vẫn tiếp tục bị tàn phá không thương tiếc thì e rằng, dù có nhiều chương trình tốn tiền tỷ được đưa ra, hiệu quả thực hiện cũng không đạt được là bao./.