Tại những vùng đất khô cằn hay bán khô cằn của châu Phi, khi mà nông nghiệp làm tiêu hao nhiều tài nguyên thiên nhiên, chăn nuôi trở thành hoạt động chính của người nông dân. Một số khu vực trở nên nổi tiếng với nghề chăn nuôi như tại Tây Phi, hiện nay có tới 60 triệu con bò và 160 triệu gia súc nhai lại nhỏ. Chăn nuôi cũng bảo đảm sinh kế cho hàng nghìn người tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong dây chuyền chăn nuôi như sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù có lợi thế lớn như vậy, châu Phi vẫn phải tiếp tục nhập khẩu một số lượng lớn sản phẩm từ động vật nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Nạn hạn hán và hiện tượng El Nino do biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tới con người mà còn tới cả gia súc. Tại phía Bắc của Buốckina Phaxô, nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi gia súc, vì lý do thiếu mưa nên không còn cỏ để cho gia súc, dẫn đến đàn gia súc không có khả năng chống chọi với bệnh tật.
Theo các chuyên gia kinh tế, chăn nuôi gia súc chiếm 70% thu nhập của người nông dân châu Phi. Nhưng gia súc tại châu Phi lại đang gặp nguy hiểm. Người chăn nuôi phải đối mặt với nạn hạn hán, công nghệ lạc hậu và thiếu nguồn vốn đầu tư. Trên thực tế, mối quan tâm lớn nhất của người chăn nuôi là tiếp cận các nguồn tín dụng và các thể chế tài chính. Tình hình này càng đáng lo ngại hơn khi mà những người chăn nuôi có sức mua lớn hơn nông dân, nhưng họ lại ít nhận được sự tin tưởng từ phía các thể chế tài chính.
Tại khu vực Sahel và Tây Phi, việc chăn nuôi gia súc trong vụ hè (chăn thả gia súc ở núi) chiếm một vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi. Thị phần của sản phẩm chăn nuôi chiếm 35% GDP nông nghiệp tại Tây Phi. Các chuyên gia thừa nhận rằng, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4%, nhu cầu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật tại khu vực Sahel và Tây Phi sẽ tăng 250% từ nay đến năm 2025.
Để vượt qua thách thức về an ninh lương thực, các quốc gia Tây Phi đã quyết định thực hiện cải cách ruộng đất bằng việc tăng cường những chính sách thuận lợi cho người nông dân. Được tập hợp dưới dạng các dự án nhỏ với những công nghệ mới, các dự án nông nghiệp có chi phí không cao và thích ứng được tình hình thực tế của địa phương.
Từ năm 2003, Hiệp hội người khuyết tật Angôla (Anda) chịu trách nhiệm về thương binh trong cuộc nội chiến được giao 1.150 ha đất để thực hiện các dự án nông nghiệp và chăn nuôi gia súc vụ hè. Tại Xênêgan, nhà chức trách nước này đã đưa những công nghệ mới trồng rơm cỏ. Những thiết bị phù hợp cho gia súc uống nước, những nơi kiểm dịch động vật gia súc được xây dựng tại nhiều nơi. Ngoài ra, xây dựng cơ sở hạ tầng cho chăn nuôi cũng như cho ngành nông nghiệp sẽ giúp người nông dân và người chăn nuôi đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống.
Một câu trả lời nữa cho những thách thức trong tương lai đó là khoa học và công nghệ. Lai tạo giống mới do những người chăn nuôi thực hiện để tăng sản lượng sữa và thịt từ đàn gia súc đã làm lây lan bệnh dịch và làm chết hàng loạt đàn gia súc. Chính vì điều này, các chuyên gia đã yêu cầu thành lập những ngân hàng gien sẽ tăng cường những nhu cầu đặc biệt về đa dạng hóa hệ thống chăn nuôi và góp phần tăng sản lượng bền vững.