00:00 Số lượt truy cập: 2994037

Biến rác thải thành phân bón 

Được đăng : 03/11/2016

Khó khăn trong xử lý rác thải luôn là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia lâu nay và Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.


Đặc biệt là đối với những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, nơi mỗi ngày một cư dân đô thị “xả” ra môi trường chừng 1 kg phế thải. Tuy nhiên công suất của các nhà máy xử lý rác thải tại mỗi thành phố hiện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 16.000 tấn/ngày. Và Công ty Công nghệ sinh học Guozhong đã có bước đột phá, tạo doanh thu từ công việc hàng ngày tưởng như đơn điệu của mình.

Theo ông Wu Jixu, giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Guozhong có trụ sở tại thành phố Bắc Kinh, sau khi rác được thu gom về bãi tập kết thường trải qua các công đoạn phân loại. Có chừng 60% các chất thải hữu cơ sẽ được đưa vào quy trình lên men để chế thành phân bón hỗn hợp. Số còn lại sẽ được chôn lấp hoặc đưa vào lò đốt. Trung bình lượng rác thải hàng ngày chứa khoảng 60% các thành phần hữu cơ; 12% nhựa; 10% vô cơ và 18% các chất khác.

Ông Xue cho rằng, công việc khó khăn nhất đối với các nhà máy xử lý rác thải là gặp phải các loại phế thải như chai lọ thủy tinh, sắt thép và nhựa bởi người dân thường gom lẫn lộn các loại trước khi đổ rác. Còn đối với rác hữu cơ, sau khi ủ một tháng chúng sẽ tự phân hủy trở thành mặt hàng phân bón có giá trị. Trung bình mỗi tấn rác có thể sản xuất ra 200 kg phân bón hữu cơ chuyên dùng trong nông nghiệp hoặc làm vườn rất hiệu quả.

Nông dân Li Yuanhu chuyên trồng rau quả cho biết, lúc đầu sử dụng phân bón này cho cây trồng cũng lo lắng vì không dám chắc chất lượng có như ý hay không nhưng sau vài vụ thì rất yên tâm. Cụ thể là cấu trúc đất canh tác sau khi sử dụng phân bón từ rác đã thay đổi theo hướng tích cực không hề thua kém phân bón thông thường, đất mềm hơn và đặc biệt là giá loại phân này rẻ hơn nhiều so với các loại phân bón truyền thống, chỉ bằng 25%.

Theo anh Li thì hiện nhiều nhà vườn cũng như nông dân đã chuyển hướng sang mua các loại phân bón từ công nghệ mới này. Và đây thực sự là một xu hướng mới nhằm hưởng ứng công nghệ xanh.