00:00 Số lượt truy cập: 2986823

Biến tủ lạnh hỏng thành máy ấp trứng 

Được đăng : 03/11/2016

Đến thăm nhà anh Trịnh Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hoà (Dầu Tiếng, Bình Dương), tôi thấy gần chục chiếc tủ lạnh, tủ làm mát cũ, để ngổn ngang trong một cái xưởng nhỏ ngay trước cửa nhà.


Cứ tưởng những chiếc tủ này đang chờ đôi bàn tay của anh Tuấn sửa chữa lại để tiếp tục công việc làm lạnh, làm mát, nào ngờ chúng đã, đang hoặc sắp được anh “hoá kiếp” sang một công việc có tính chất khác hẳn: máy ấp trứng.

Anh kể hồi năm 2006, để có thêm thu nhập cho gia đình, vợ chồng đầu tư nuôi mấy chục con gà mái đẻ. Nuôi một thời gian, anh nhận thấy để gà ấp trứng theo kiểu tự nhiên sẽ không hiệu quả vì tỷ lệ nở thấp, gà mái mất thời gian nằm ổ... Sau đó, trứng gà đẻ ra, anh gom lại rồi chở đi tìm chỗ ấp gia công. Trứng chở đi xa, vừa mất công sức đi lại, vừa bị ảnh hưởng bởi xóc nẩy, thành ra tỷ lệ ấp nở không cao.

Tuy nhiên, trong quá trình đi thuê người ta ấp trứng gà, anh đã tiếp cận và hiểu được nguyên lý hoạt động của những chiếc máy ấp trứng. Trong đó, điều cơ bản nhất là làm sao giữ được nhiệt độ trong lò ấp luôn tương đương với nhiệt độ của cơ thể gà mẹ.

Từ đó, anh nảy ra ý định tự làm một cái máy ấp trứng quy mô nhỏ, giá thành rẻ nhưng hiệu quả cao. Vốn có nghề sửa chữa điện máy, điện lạnh (Tuấn từng học trung cấp điện ở TP HCM), anh chợt nghĩ tới những chiếc tủ lạnh, tủ mát, tủ đá và tủ đông đã hỏng. Những chiếc tủ này đều có lớp vỏ cách nhiệt rất tốt. Tìm mua được một cái tủ lạnh hỏng từ một người bán ve chai, Tuấn mày mò nghiên cứu, cải biến thành một cái máy ấp trứng.

Mẻ ấp đầu tiên thất bại. Anh tìm hiểu kỹ thì thấy mình chưa nắm được điều kiện sinh lý của quả trứng. Anh tìm kiếm sách báo, lên mạng tìm tài liệu, dần dà tìm ra được cách làm sao cho cái máy ấp trứng của mình phù hợp với điều kiện sinh lý của quả trứng.

Đến năm 2007, Tuấn đã thành công khi biến một cái tủ lạnh hỏng thành cái máy ấp trứng có hiệu quả cao, với tỷ lệ ấp nở từ 80% trở lên. Theo đó, vỏ của tủ được anh giữ nguyên. Bên trong Tuấn chế tạo một giàn khay bằng gỗ để đựng trứng. Phía dưới, anh lắp mấy cái bóng đèn dây tóc nhằm tạo nhiệt độ trong máy tương đương với nhiệt độ cơ thể gà mẹ. Để đưa nhiệt độ tản đều khắp trong máy, anh lắp thêm mấy cái quạt tản nhiệt lấy từ những chiếc máy tính hỏng.

Một thiết bị quan trọng được anh nghiên cứu chế tạo và lắp đặt trong máy là cảm biến nhiệt độ. Thiết bị này không chỉ cảm nhận được nhiệt độ, mà có thể tự ngắt hoặc mở điện khi nhiệt độ trong máy xuống thấp hoặc lên cao quá mức cho phép. Vào thời gian cuối của mẻ ấp, anh cho thêm một khay nước vào trong máy để ổn định độ ẩm…

Máy ấp trứng của Tuấn có ưu điểm cách nhiệt tốt, tiêu tốn điện năng thấp, đặc biệt nhờ tận dụng nguồn phế liệu nên giá thành rẻ phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân. Hiện nay, trong khi trên thị trường, giá 1 máy ấp trứng công suất 500 quả/mẻ là 7,5 triệu đồng, thì máy của anh chỉ 2,7 triệu đồng. Loại máy có công suất 300 quả/mẻ, trên thị trường là 4,5 triệu đồng, máy của Tuấn chỉ 2,2 triệu đồng…

Sau khi anh Tuấn hoàn thiện máy ấp trứng, một số bà con, bạn bè biết chuyện, rủ nhau đến thăm, mua về dùng thử rồi giới thiệu cho người khác biết. Từ đó, máy ấp trứng của anh được bà con nông dân trong xã, trong huyện rồi ở những nơi xa biết đến. Đến nay, anh Tuấn đã làm và bán được trên 100 máy ấp trứng từ tủ lạnh, tủ mát… hỏng.

Không chỉ bà con trong vùng đặt mua, mà nhiều nông dân từ Tây Ninh, Long An, Bình Phước…, cũng lặn lội đường xa đến đặt mua máy ấp trứng của Tuấn. Tuỳ theo kích cỡ của tủ mát, tủ lạnh…, mà máy ấp trứng của anh có công suất từ 150 đến 1.000 quả/mẻ, rất phù hợp với quy mô chăn nuôi gia cầm của nhiều nông hộ. Tuấn cũng đã nghiên cứu làm máy ấp trứng có thể dùng nước nóng để giữ nhiệt, hay dùng bình ắc quy thay thế cho điện lưới, đáp ứng cho nhu cầu của nông dân ở những nơi bị cúp điện thường xuyên.

Năm rồi, mô hình máy ấp trứng từ tủ lạnh, tủ mát… hỏng của anh Tuấn được đề cử tham dự “Festival sáng tạo trẻ toàn quốc”. Tại Festival, sáng kiến này được chọn vào danh sách 80 đề tài, giải pháp, sáng kiến, sáng tạo năm 2010. Gần đây, anh đem máy ấp trứng của mình tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần 4 và được trao giải khuyến khích.