00:00 Số lượt truy cập: 2999905

Bình Định: Định hướng phát triển cây sắn bền vững 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian gần đây, giá sắn nguyên liệu thường xuyên ở mức cao, đầu ra khá thuận lợi nên diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh Bình Định có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo định hướng của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ nay đến năm 2020, diện tích trồng sắn trên địa bàn chỉ được hạn chế ở mức 10.000ha.


Mô hình trồng sắn xen đậu phụng tại xã Cát Hiệp (Phù Cát).
Diện tích tăng mạnh

Khác với mọi năm, vụ ép sắn năm nay ở Bình Định vừa khởi động nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân bởi giá sắn nguyên liệu đang ở mức cao. Trong khi người trồng vô cùng phấn khởi thì các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại lo lắng vì sợ người dân phá vỡ quy hoạch để trồng sắn, khiến đất đai thoái hóa, bạc màu, xâm lấn diện tích rừng phòng hộ…

Theo Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định, hiện giá sắn nguyên liệu đang được nhà máy thu mua ở mức 1,5 triệu đồng/tấn (hàm lượng tinh bột 25%). Nguyên nhân khiến giá sắn tăng cao là do thị trường xuất khẩu tinh bột đang thuận lợi, giá tăng khá so với mọi năm.

Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, thời gian qua, ngoài việc thu mua sắn nguyên liệu trong tỉnh, nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh đã mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… với sản lượng hàng trăm tấn/ngày. Đơn vị đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sắn với diện tích 4.400ha tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn. Đồng thời, triển khai các biện pháp canh tác rải vụ để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, gần đây, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2005, diện tích sắn toàn tỉnh đạt 12.000ha; đến năm 2007 tăng lên 13.161ha; năm 2010 là 13.342ha; năng suất bình quân đạt 25-30 tấn củ tươi/ha, cá biệt có nơi đạt 35-40 tấn/ha.

Thực hiện đúng quy hoạch

Theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh thì chỉ phát triển diện tích sắn ổn định ở mức 10.000ha; bao gồm, quy hoạch vùng trồng sắn nguyên liệu thâm canh có diện tích ổn định 4.400ha, chiếm 44% diện tích sắn toàn tỉnh, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Vùng nguyên liệu tập trung được xây dựng trên địa bàn 21 xã, thuộc 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn. Giảm diện tích trồng sắn trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 15 độ để trồng rừng, bảo vệ môi trường.

Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định: "Phát triển mạnh cây sắn dễ dẫn đến nguy cơ các khu rừng trên địa bàn tỉnh bị tàn phá, đất đai bị thoái hóa vì cây hút chất dinh dưỡng của đất rất mạnh".

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã lên tiếng cảnh báo tình hình phát triển "nóng" vùng nguyên liệu sắn sẽ là nguyên nhân làm sa mạc hóa đất sản xuất. Để hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt diện tích sắn, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy hoạch đất sản xuất các loại cây trồng đã được tỉnh phê duyệt; phát triển các mô hình trồng sắn xen các loại cây trồng cạn khác như đậu phụng (lạc), mè, đậu nành… nhằm cải tạo đất, tăng hiệu quả kinh tế. Chuyển đổi diện tích đất trồng sắn trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 15 độ sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, hoặc trồng rừng.