Các mô hình nuôi dông trên cát, nuôi thỏ cao sản, nuôi nhím, nuôi heo rừng,… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Năm 2011, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư của Sở LĐ,TB và XH, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Tỉnh, ngân sách UBND Thành phố, Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả.
Nuôi Thỏ cao sản lãi nhanh
Mô hình “chăn nuôi thỏ cao sản” tại hộ gia đình ông Đào Trích – thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, được bắt đầu với 4 con thỏ cái giống và 1 thỏ đực giống. UBND Thành phố Quy Nhơn hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 50% kinh phí vật tư, với tổng mức hỗ trợ 3 triệu đồng.
![]() |
Chuồng Thỏ cao sản trong mô hình tại xã Phước Mỹ |
Nhờ được hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc tốt, thỏ nhanh chóng thích nghi với điều kiện địa phương. Gia đình ông Trích sử dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ, thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, ít bệnh tật, sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng. Qua 6 tháng thực hiện, đàn thỏ nhà ông Trích đã có 36 con, cho lãi khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, mô hình “chăn nuôi heo rừng” của hộ ông Nguyễn Ngọc Sương (ở KV 2, phường Ghềnh Ráng) được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Định hỗ trợ vốn, bắt đầu với 1 con đực giống và 4 con cái giống, cùng mức hỗ trợ 100% chi phí mua giống (12 triệu đồng) và được hỗ trợ 30% chi phí vật tư (10,539 triệu đồng).
Sau 9 tháng nuôi từ con giống hậu bị, heo rừng nhanh thích nghi với điều kiện sinh sống tại địa phương, ít bệnh tật, tạo ra mặt hàng đặc sản kinh tế cao cung cấp cho thị trường. Đến nay, có 4 con cái đã được phối giống và 1 con đã sinh sản 5 heo con. .
Nuôi Dông và Nhím đều dễ
Mô hình “nuôi dông trên cát” tại xã Nhơn Hội và xã Nhơn Lý, có 7 hộ nông dân trực tiếp thực hiện. Qua đánh giá bước đầu, các hộ tham gia trong mô hình thực hiện với quy mô hồ nuôi từ 180 - 1.000 m2, với số lượng dông giống thả từ 35 - 50 kg. Mỗi hộ được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua 20 kg giống (7 triệu đồng).
Thực hiện mô hình này, dông thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương, sinh trưởng tốt, chưa phát hiện dịch bệnh; tỷ lệ hao hụt rất thấp. Hơn nữa, chi phí mua thức ăn ít và dễ mua, hoặc có thể trồng như bí, rau xanh, côn trùng; ít tốn công chăm sóc…
![]() |
Con Dông trong vườn nuôi nhà ông Nguyễn Ngọc Danh, xã Nhơn Lý |
Đến nay, một số hộ nuôi trong mô hình đã bán dông thịt bố mẹ và bắt đầu bán dông giống. Chỉ tính 20 kg dông giống hỗ trợ của Nhà nước, sau 8 tháng nuôi, trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi gần 7,6 triệu đồng. Và, ngoài số dông bố mẹ, dông con sinh sản ra rất nhiều, đây là nguồn sẽ cho lợi nhuận cao trong thời gian năm thứ 2 trở đi.
Ông Nguyễn Ngọc Danh – chủ hộ trực tiếp thực hiện mô hình nuôi dông trên cát ở xã Nhơn Lý, nhận xét: “Nuôi dông rất đơn giản; ít công chăm sóc, một người có thể nuôi và chăm sóc với quy mô 1.000 – 1.500 m2. Hiện gia đình tôi đã xuất bán được 25 kg dông bố mẹ với giá 350.000 đồng/kg và 20 kg dông con giống với giá 500.000 đồng/kg, số còn lại tôi tiếp tục nuôi gầy giống…”.
Còn hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Ninh (thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) đã triển khai thành công mô hình “chăn nuôi nhím”. Ban đầu, với quy mô 2 con đực và 3 con cái, bà Ninh được hỗ trợ 100% chi phí mua 1 con giống đực và 1 cái, 30% chi phí vật tư, tổng số tiền hơn 17,428 triệu đồng.
Nhím dễ nuôi, ít bệnh tật, khả năng thích nghi nhanh. Thức ăn của Nhím rất đa dạng, từ các loại củ, quả, rễ cây, lá cây, các loại rau, cỏ… đến các loại côn trùng, sâu bọ, giun đất, xương động vật… Đặc biệt nhím là loài tự sinh sản, tự nuôi con mà không cần nhiều bàn tay chăm sóc của con người. Trung bình 1 con nhím đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 - 3 con tùy theo từng giai đoạn và độ tuổi trưởng thành.
Chị Ninh cho biết: “Ngoài việc tìm hiểu thông tin trên mạng, có sự hỗ trợ kỹ thuật nuôi nhím của cán bộ khuyến nông, đến nay chăm sóc chưa phát hiện dịch bệnh”
Ông Phan Tuấn – Phó Trưởng Phòng Kinh tế, Trưởng Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn cho biết: “Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nhân dân các phường, xã ngoại thành và vùng ven. Tiếp tục xây dựng các mô hình khác trong những năm tiếp theo để bà con lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân”./.