Lần theo con hẻm số 108 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi đã đến gia trại nuôi nai lấy nhung của gia đình ông Vũ Văn Thuận. Khi đặt chân đến đây, chúng tôi đều ngạc nhiên trước một khu vườn - nhà tương đối khang trang, rộng rãi và thoáng mát.
Ông đã đon đả cho biết: Thực ra nghề nuôi nai lấy nhung để làm thuốc được xuất phát từ lúc ông đã từng bị tù đày gian khổ trong cuộc chiến tranh vệ quốc trước đây. Lúc đầu vào năm 1990, ông mới nuôi 2 con, một đực một cái và qua nuôi thử nghiệm này, ông thấy nai phát triển nhanh, dễ nuôi và dễ chăm sóc, đồng thời nai lại ít bị bệnh và giá trị nhung nai bán ra thị trường rất có cao. Từ đấy, ông đầu tư thêm vốn liếng xây gia trại khoảng vài chục mét vuông và chia thành những ô chữ nhật, nuôi theo kiểu công nghiệp. Đến nay, gia trại của ông đã phát triển thành một đàn với 10 con, trong đó có 6 con nai đực cho nhung và 4 con cái sinh sản. Nai đực nuôi từ 9 đến 10 tháng tuổi thì bắt đầu xuất hiện 2 lồi xương ở trên đầu, cao từ 2 đến 2,5 cm và có da phủ ở bên ngoài, được gọi là "đế sừng" và đến tháng 3, tháng 4 năm sau "đế sừng" bắt đầu cho mọc 2 sừng đầu tiên, không phân nhánh cao 20 cm. Bước sang năm sau, 2 sừng này tự rụng đi và mọc ra cặp sừng mới và lúc này sừng mới ra phân nhánh và được gọi là sừng nhung. Sừng nhung có màu hồng nhạt, mọng máu và bên ngoài sừng nhung được phủ một lớp lông tơ màu trắng. Tính từ ngày nhú sừng đến khi cắt nhung trong khoảng thời gian từ 50 đến 55 ngày là thời điểm sừng nhung có chất lượng tốt nhất. Sừng nhung sau khi cắt đem treo ngược đầu cắt lên trên trong khoảng từ 2 đến 3 giờ cho máu đông lại, sau đó dùng rượu rửa sạch vỏ ngoài, để khô rồi đêm sấy nhẹ trên lửa than hồng hoặc có thể vùi vào cát nóng từ 2 đến 3 ngày cho đến khi khô và được bảo quản trong thẩu thuỷ tinh đậy kín và cho một ít bông để hút ẩm. Sau đó có thể cắt lát ngâm rượu để uống hoặc pha chế thành các loại thuốc " sâm nhung" bồi bổ cơ thể rất có giá trị. Với giá bán hiện nay một lạng nhung nai lên tới hơn 600.000 đ và nai càng lớn cho nhung càng nhiều bình quân mỗi con cho từ 3 đến 5 kg nhung và thu nhập bình quân mỗi năm từ 70 đến 80 triệu đồng. Ngoài nuôi nai lấy nhung, ông Thuận còn nuôi nai sinh sản. Nai cái mỗi năm đẻ một lứa và một lứa cho một con và cá biệt có lứa cho 2 con. Nếu khi sinh đều được nai đực (cho nhung) thì hiệu quả kinh tế rất cao. Hàng năm ông đã bán con giống cho nhiều hộ nuôi nai tại các tỉnh, thành phố Gia Lai, Đà Nẵng, Biên Hoà, Thanh Hoá và Bắc Giang...thu lãi hàng chục triệu đồng/năm và công đi cắt nhung cho các hộ nuôi tại các tỉnh nói trên, một đợt đi thu được trên 10 triệu đồng. Ông còn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và thu hoạch nhung nai cho bất cứ ai có nhu cầu chăn nuôi loài vật này.
Ước nguyện của ông để phát triển thành một trang trại chăn nuôi lớn, ông đã lập dự án xin chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh, thành phố qui Nhơn cho quy hoạch tại một khu rừng ven thành phố để phát triển nghề nuôi nai lên qui mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn./.