00:00 Số lượt truy cập: 2670092

Bình Định: Trung tâm giống thủy sản - Cho sinh sản thành công con giống tu hài 

Được đăng : 03/11/2016
Sau hơn một năm rưỡi thử nghiệm, đến nay Trung tâm Giống thủy sản Bình Ðịnh đã cho sinh sản thành công con giống tu hài. Ngoài ra, các mô hình nuôi thương phẩm tu hài cũng bước đầu khẳng định khả năng thích nghi và phát triển tốt của loài thủy sản này tại Bình Ðịnh.

Tu hài thuộc loài ngọc trai, thân mềm, giàu chất kẽm, chất khoáng, sống chủ yếu vùi trong cát dưới đáy biển, đầm nước mặn, lợ. Thức ăn chủ yếu của tu hài là động vật phù du, lọc từ trong nước. Ở Việt Nam, tu hài có trong tự nhiên, nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh ven biển. Hiện nay tu hài đã được nhiều nơi cho sinh sản nhân tạo, song khi nuôi lên giống cấp 1, tỉ lệ sống rất ít, khoảng trên 1%. Khi nuôi tu hài thương phẩm, yêu cầu môi trường nuôi phải trong sạch, do vậy rất khó tăng sản lượng. Tu hài hiện có giá 250 - 300 ngàn đồng/kg.

Cán bộ khoa học công nghệ đang kiểm tra tiến độ nuôi tu hài thương phẩm tại Trung tâm Giống thủy sản. Ảnh: HOÀNG LÂN

Bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11.2011, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã di thực tu hài bố mẹ từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa về nuôi vỗ thành nhiều đợt, mỗi đợt trên dưới 150 con. Trung tâm đã ương nuôi thành công con giống tu hài cấp 1 (dài 3 - 5 mm), sau đó tiếp tục ương con giống cấp 1 trong bể xi măng và ngoài đầm tự nhiên đến khoảng 33 - 42 ngày sau thì thành con giống cấp 2 (có chiều dài thân từ 20 - 30 mm). Con giống cấp 2 này dùng nuôi thương phẩm.

Sau khi cho sinh sản thành công tu hài giống, Trung tâm đã nuôi thương phẩm thử nghiệm với 2 hình thức nuôi là thả đáy, nuôi treo tại 3 khu vực: biển Hải Giang, đầm Thị Nại, đầm Đề Gi. Yêu cầu chung của vùng nước nuôi thích hợp với tu hài là luôn lưu chuyển, không tù đọng, độ mặn 20 phần ngàn trở lên, độ trong của nước từ 2,5 - 3 m, có nguồn phù du trong nước phong phú, đa dạng, không bị ảnh hưởng nguồn nước ngọt, nguồn nước ô nhiễm…

Tu hài giống cấp 2 được cho vào từng rổ, có kích thước miệng 60cm, có lót lưới và lớp cát dày dưới đáy rổ, mật độ 30 - 40 con/rổ, có bao lưới trên mặt rổ để tu hài không chui được ra ngoài. Nếu nuôi đáy thì thả rổ sát đáy, ở độ sâu tối thiểu từ 1,5 - 3 m, nếu nuôi treo thì treo vào giàn để rổ cách mặt đáy 0,5m.

Ở 3 địa điểm: Hải Giang, đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, mỗi điểm thả nuôi 160 rổ (khoảng 4.800 - 6.400 con) với hình thức nuôi thả đáy. Sau 9 tháng nuôi ở Hải Giang đã thu được kết quả khả quan, tỉ lệ sống đạt 70 - 80%, khối lượng trung bình đạt 40,2 - 41,2 g/con, sản lượng thu được gần 160 kg. Theo giá tu hài hiện nay 250 - 300 ngàn đồng/kg, mô hình thu về trên 40 triệu đồng. Riêng ở đầm Đề Gi, đầm Thị Nại, do tình trạng ô nhiễm môi trường nước, xung điện xiếc máy hoành hành… nên sau tháng thứ 4 - thứ 5 khi tu hài đạt cỡ 15 - 20 g/con thì bắt đầu chết hàng loạt.

Ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Bình Định cho sinh sản và ương nuôi tu hài, với tỉ lệ thụ tinh, nở, tỉ lệ sống của ấu trùng, con giống cấp 1, cấp 2 đạt yêu cầu theo mức chung của các nơi. Tỉ lệ sống, khối lượng cá thể đạt được trong nuôi thương phẩm ở Hải Giang cũng khẳng định những vùng biển bãi ngang như Hải Giang thích hợp cho việc nuôi tu hài thương phẩm. Trung tâm sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi để chuyển giao cho các vùng nuôi. Ngoài ra, để có thêm đầy đủ chứng cứ khoa học về các vùng nuôi khác, Trung tâm sẽ tiếp tục nuôi thương phẩm thử nghiệm trong các đầm Đề Gi, Thị Nại để có kết luận chính xác hơn”.