Năm nay đã 88 tuổi nhưng ông Điểu Đố, ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hàng ngày ông vẫn cùng tham gia lao động với con cháu. Ông kể: "Trước đây gia đình đông người nên luôn thiếu ăn do thói quen du canh du cư. Từ khi đất nước thống nhất, nghe theo lời Đảng và Nhà nước, mình và gia đình bắt đầu cuộc sống định canh định cư, rồi được cán bộ hướng dẫn cách thức làm ăn, canh tác, biết trồng lúa nước, phát triển trồng cây điều, chăn nuôi, đào ao thả cá nên cuộc sống dần ổn định và phát triển hơn". Tuổi cao nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia các lớp khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, sản xuất do xã, huyện tổ chức. Ông tâm sự: "mình cần phải thường xuyên học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất từ cách bón phân, phun thuốc, tỉa cành sao cho đúng lúc... như vậy cây trồng mới cho năng suất cao được". Hiện gia đình ông có 15 ha điều, sản lượng bình quân luôn đạt trên 2 tấn/ha. Ngoài ra, ông còn trồng hơn 1,5 ha lúa nước, một năm trồng hai vụ với sản lượng 12 tấn/năm, chăn nuôi hàng chục con trâu bò để lấy sức kéo và sinh sản để bán. Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 700 triệu đồng. Với nguồn thu nhập trên, ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, mua máy móc, phương tiện cơ giới để sản xuất canh tác như máy cày, máy bơm...
Hiểu được sự cần thiết của "cái chữ", ông Điểu Đố luôn động viên và tạo điều kiện cho con cháu học hành đầy đủ, hiện đều có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, ông Điểu Đố còn là một già làng gương mẫu được đồng bào tín nhiệm cao. Ông luôn vận động người cao tuổi và bà con trong làng cùng làm theo mình để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Những hộ nghèo, ông cho vay vốn, giống không lấy lãi để có điều kiện sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi...
Đến thăm già làng Lâm Hớ ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, chúng tôi đã được nghe kể nhiều về quá trình thoát nghèo và vươn lên làm giàu của ông và đồng bào Khơme nơi đây. "Gia đình mình có làm ăn khá giỏi, gương mẫu thì nói đồng bào mới nghe, mới làm theo", già làng Lâm Hớ khẳng định. Nghĩ là làm, ông bắt đầu tìm hiểu và học tập cách thâm canh lúa nước và áp dụng ngay trong ruộng nhà mình. Già làng Lâm Hớ là người đầu tiên đã hướng dẫn bà con Khơ me ở xã Lộc Hưng thâm canh cây lúa nước với năng suất cao.
Hơn 8 ha lúa nước của gia đình trước đây chỉ trồng được 1 vụ/năm, ông áp dụng cách thâm canh mới nay đã tăng lên 2, 3 vụ/năm, năng suất cao hơn trước. Để có nguồn nước tưới cho cả cánh đồng, già làng Lâm Hớ đã bỏ tiền túi gần 20 triệu đồng để đầu tư xây dựng đập chứa nước và vận động đồng bào đào mương dẫn nước vào ruộng để thâm canh tăng vụ. Ngoài ra, ông còn trồng điều kết hợp với chăn nuôi trâu, bò để lấy phân bón cho cây trồng. Từ các nguồn thu nhập trên, mỗi năm gia đình già làng Lâm Hớ còn dư được gần 150 triệu đồng sau khi trừ kinh phí đầu tư. Không chỉ được biết đến là người đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế, già làng Lâm Hớ còn được nhắc nhiều đến việc tích cực làm công tác từ thiện, xã hội. Hàng năm ông giúp đỡ các gia đình khó khăn từ 20 - 30 triệu đồng, giúp đồng bào nghèo trong xã gần 2 tấn lúa giống để sản xuất, mở lớp xoá mù cho 26 người đến nay đã biết đọc, biết viết. Hiện nay, với vị trí là phó chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Hưng, già làng Lâm Hớ luôn gương mẫu trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, vận động tuyên tuyền đồng bào không nghe theo lời kẻ xấu vượt biên trái phép, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi.../.