Có lẽ về hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ba ba đã được nhiều người biết đến. Nhưng ở mỗi địa phương chất lượng nước khác nhau thì cách nuôi ba ba cũng sẽ khác nhau.
Tìm hiểu về kinh nghiệm nuôi ba ba, chúng tôi đã đến thăm gia đình anh Phan Tài Hứa ở ấp 1, Đồng Nơ, Bình Long, Bình Phước. Anh đã có kinh nghiệm trong 6 năm gắn bó với loại đặc hải sản này. Hệ thống nuôi ba ba được nằm giữa vườn cây, bao bọc bởi nào tiêu, điều, cao su… Gia đình anh Hứa bắt đầu làm bể nuôi từ năm 2003, sau khi anh đến thăm nhà một người bạn nuôi ba ba. Từ niềm đam mê của người bạn đã truyền cảm hứng sang anh. Lúc đầu, anh cũng chỉ định nuôi chơi sau thấy hay và có thu nhập khá nên đã gắn bó lâu dài đến giờ.
Qua sự ham học hỏi, tìm hiểu từ sách, báo, truyền hình, kinh nghiệm của bạn, anh đã tích lũy được nhiều vốn kiến thức về kỹ thuật nuôi ba ba. Điều trăn trở với anh lúc này, chỉ là vấn đề về vốn. Vì không như nuôi con khác, ba ba phải xây dựng bể nuôi rất tốn kém. Vợ chồng anh đã phải tiết kiệm từ các nguồn thu nông sản từ cây tiêu, điều, thưởng cuối năm,… Còn lương chỉ đủ chi tiêu eo hẹp cho đời sống hàng ngày. Vì công việc chính hàng ngày của anh là lái xe tải chở mủ cho Công ty Cao su Bình Long. Chính vì vậy, anh phải tranh thủ thời gian vào những ngày nghỉ để xây dựng bể, cơ sở vật chất ban đầu cho ý tưởng của mình.
Cuối năm 2003, anh chỉ hoàn thành được 1 bể nuôi với 1.000 con giống ban đầu. Và công trình của anh được xây từng bước mỗi năm một bể, đến nay đã có 5 bể nuôi, khoảng 750 m2 diện tích mặt nước/bể với tổng khoảng 2.000 con lớn. Trị giá 5 bể của anh xây tốn cả hơn 100 triệu đồng, nhưng là trải đều các năm.
Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi, anh cho biết: Nuôi ba ba không khó. Quan trọng là phải thường xuyên theo dõi nguồn nước, khi từ màu xanh trong chuyển sang xanh đục (khoảng 15 ngày về mùa khô, lâu hơn nếu là mùa mưa) thì phải thay nước. Nước này, có thể bơm lên tưới cây trồng khác như cao su, tiêu, điều,… đều rất hiệu quả và có thể tiết kiệm được lượng lớn nếu dùng phân hóa học để bón. Nhưng phải giữ lại một nửa nước cũ của bể và chỉ bơm mới một nửa. Chú ý, việc định kỳ rắc vôi bột là rất quan trọng, vì nước ở đây bị nhiễm phèn nhiều. Nên sau khi thay nước khoảng 7-8 ngày thì rắc vôi bột một lần vừa để sát trùng, vừa làm giảm độ phèn chua của nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ba ba phát triển. Hơn nữa, cần thả bèo một nửa diện tích bể để làm giảm tồn động phân của ba ba và làm trong nước. Anh cho biết thêm, ba ba đã bệnh thì không thuốc gì trị được nên chỉ phòng là tốt nhất, và không gì phòng bệnh cho ba ba tốt hơn là dùng vôi bột rẻ mà hiệu quả, vì nước ở đây bị nhiễm phèn nhiều. Điều đặc biệt phải chú ý quan tâm trong việc nuôi ba ba là, sau thời gian nuôi con giống khoảng 7 – 9 tháng tùy giống nuôi lớn hay nhỏ phải lựa đực, cái riêng mỗi bể. Làm vậy, để chúng không đánh nhau. Con giống thì khó phân biệt đực, cái nhưng nuôi đến thời điểm này, thì chỉ cần nhìn con nào mình lép, đuôi dài là con đực; mình dày là con cái. Đây cũng là thời kỳ ba ba sinh sản, đổ cát lên bờ thành bể, nơi tắm nắng của ba ba, cũng là nơi nó lên đẻ trứng. Trứng của ba ba khi nhỏ chỉ để ăn hoặc bán (khoảng 50.000đ/100 trứng), nếu ấp làm con giống thì rất yếu. Để được con giống khỏe, chỉ ấp trứng của ba ba đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên. Cho cát vào một chậu để trong nhà, rồi để mặt trắng của trứng ở phía trên, rải đều cát dày 2- 3cm, sau khoảng 50 ngày là nở thành ba ba con. Một con đẻ khoảng 10 trứng. Thường tỷ lệ ấp thành công là 60 – 70%. Tỷ lệ sống của ba ba đến khi thành thương phẩm chỉ khoảng 70%. Sau 20 tháng nuôi là có thể có ba ba thương phẩm bán nặng từ 800gram trở lên và có ba ba giống bán.
Lứa đầu anh xuất bán được khoảng 700 con, với tổng sản lượng gần 6 tạ, mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ bán giống khoảng 7.000đ/con. Với lượng thức ăn tiêu tốn cho 2.000 con ba ba là khoảng 30 triệu/2 năm, bình quân khoảng 4 ngày hết 1 bao cám đối với ba ba thương phẩm. Trừ chi phí thức ăn, điện, nước, thuê người…. khoảng một nửa, anh vẫn thu về hơn 50 triệu. Chính vì vậy, ngay lứa xuất đầu tiên anh đã có tiền để mở rộng quy mô. Mỗi năm anh xây thêm một chiếc mà không cần vay vốn ở ngoài. Từ năm thứ 2 đến hiện tại tổng đàn ba ba là 2.000 con và sau mỗi đợt đẻ trứng lại bán ba ba thương phẩm và ba ba giống. Còn nếu như có nhiều vốn xây hết 5 bể cùng một lúc thì chỉ sau 4 năm nuôi, bán 2 lứa ba ba thương phẩm và ba ba giống là khấu trừ hết chi phí đầu tư ban đầu và thu lợi cả hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình anh đã và sắp hoàn thành việc xây dựng một cơ ngơi rất khang trang với kiến trúc khá độc đáo và ấn tượng. Đồng thời anh cũng lo chu tất, đầy đủ cho 4 con ăn, học, chất lượng cuộc sống gia đình ngày càng cải thiện tốt hơn.
Như vậy, ở thời điểm giá cả như hiện nay, người có nhiều vốn thì ngay từ đầu có thể làm giàu nhanh bằng cách nuôi ba ba với quy mô lớn, còn nếu chỉ có khoảng 50 triệu vẫn có thể nuôi ba ba để làm giàu và ngày càng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm là điều hết sức quan trọng. Cũng như việc xác định trồng cây gì để bán cho ai thì nuôi ba ba cũng phải xác định được nguồn tiêu thụ thật chắc chắn ngoài việc nuôi ở đâu và nuôi như thế nào. Nếu chỉ bán phục vụ tại chỗ cho việc làm món ăn đặc sản thì rất mạo hiểm. Vì ba ba không chỉ là loại thủy sản thông thường mà là đặc thủy sản, rất khó tiêu thụ, bán giá cao mới có lời. Do đó, chỉ khi nào tìm được hướng xuất khẩu hoặc có các Công ty chế biến ba ba làm đồ hộp thì đầu ra cho ba ba sẽ ổn định hơn.