00:00 Số lượt truy cập: 3042323

Bình Phước: 

Được đăng : 03/11/2016

Nghe tiếng đồn đã lâu nhưng hôm nay tôi mới có dịp ghé thăm gia đình anh Trần Thiện Tâm ở ấp 1, xã Đồng Nơ, huyện Bình Long với mục đích học tập kinh nghiệm hay, mới để về áp dụng, nhân rộng mô hình cho bà con nông dân. Quả không sai, đang đi giữa cái nắng gắt, nóng đến khó chịu ở ngoài đường nhưng vào đến khu trồng nấm của anh thì ngược lại. Một hệ thống phun mưa nhân tạo trên mái tôn rơi tí tách làm cho không khí mát dịu như ở trong nhà có điều hoà vậy. Tôi còn đang “mải mê hưởng thụ” không khí tuyệt vời thì anh Tâm ở trong nhà nấm đi ra. Chưa kịp giới thiệu gì, anh đã mời tôi đi tham quan một vòng khu nhà trồng nấm của anh.


Anh Tâm - một ông chủ dễ gần, vui tính, hồ hởi nhiệt tình, biết tôi cũng là người có hiểu biết một chút về nấm nên anh không ngần ngại bộc lộ hết những kinh nghiệm của mình.

Anh là người gốc Việt nhưng sống nhiều năm ở Campuchia, có vợ là người Campuchia. Anh đã học được nghề trồng nấm từ người Thái Lan sang sống ở Campuchia từ khâu làm meo giống, đóng bịch khử trùng… “Cũng không ít thất bại và những kinh nghiệm xương máu mới có được ngày hôm nay" – anh tâm sự. Khi về Bình Long – Bình Phước, anh nhân thấy nơi đây có tiềm năng trồng nấm, đặc biệt là mạt cưa cây cao su, cây điều là nguồn nguyên liệu dồi dào để làm nấm. Nói là làm, anh tiến hành vay vốn và bắt tay vào làm nhà trồng nấm. Mặt khác anh cũng đi tìm thị trường tiêu thụ và đã ký được hợp đồng với một nhà máy bao tiêu sản phẩm trong 5 năm với giá 14.000 đồng/kg nấm tươi, 120.000 đồng/kg nấm khô loại 1, 70.000 đồng/kg nấm khô loại 2. Nhà trồng nấm của anh Tâm tương đối hiện đại, xung quanh che bạt kín, thỉnh thoảng có lỗ thông gió, mái lợp bằng tôn lạnh, khung giàn treo nấm bằng sắt, bên trên là dàn tưới phun mù tự động, trên mái tôn có dàn làm mưa nhân tạo. Đặc biệt là nền nhà làm thành những hồ nhỏ hoặc trải bạt rộng khoảng 80cm cao 15cm, trong đó luôn luôn giữ 10cm nước để làm mát cho nấm ở phần dưới. Cú sau 10 ngày anh lại khử trùng nước nền bằng vôi bột để phòng trừ dịch bệnh trong nhà nấm.

Anh Tâm tính toán: Với tổng diện tích gần 500m2, anh đầu tư hết 450 triệu đồng (trung bình 1 triệu đồng/m2 trong đó có cả bịch meo đã cấy sẵn) thì trồng được 65.000 – 70.000 bịch nấm/lứa. Cứ 5 tháng thu được 0.5-0,6kg/bịch, trừ hết chi phí, anh còn lãi 2.500 đồng/bịch. Một năm anh thu 2 lứa nấm và lãi khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Chỉ sau 3 lứa nấm, anh hoàn được vốn đầu tư nhà trồng nấm ban đầu và bắt đầu có lãi.

Anh Tâm cho biết anh chọn nấm sò lai để trồng vì nó dai hơn và để được lâu hơn các loại nấm khác. Tôi hỏi anh đầu tư lớn vậy thì các nông dân khác làm sao được, anh không ngần ngại nói rằng: Nếu không có điều kiện thì làm 50 – 100m2 giàn tre và khung treo bằng lá dừa, cây tầm vông quá đơn giản, muốn thành công chỉ cần chú ý một số điểm sau:

- Bich meo phải đảm bảo chất lượng tốt vì đây là yếu tố cơ bản quyết định đến năng suất và sản lượng nấm sau này.

- Đất trồng nấm phải giữ được nước để tạo ẩm độ luôn trong khoảng 90-95%.

- Nhà nấm tương đối kín gió (nhưng có thông gió) để nấm meo không bị khô.

Khi được hỏi về kế hoạch trong thời gian tới, anh nói: Anh đã có xe lạnh chuyên chở nên rất muốn mở rộng thêm diện tích để có đủ nấm cung ứng cho nhà máy. Hiện nay anh mới chỉ tạm cung ứng được khoảng 300-500kg/ngày, trong khi đó lượng nấm cần 1- 2 tấn/ngày. Ngoài ra anh cũng muốn nghiên cứu việc trồng nấm linh chi, trồng nấm Thái... Anh sẵn sàng góp vốn hỗ trợ và sau này thu lại bằng nấm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi những kinh nghiệm thực tế cho những ai có nhu cầu để cùng nhau mở rộng mô hình tiến tới xây dựng thương hiệu “Nấm Thiện Tâm”.

Trước khi ra về tôi cũng chúc và mong anh sẽ thành công với những dự định của mình và hứa sẽ thông tin quảng bá cho những người có nhu cầu cùng hợp tác để thương hiệu “ Nấm Thiện Tâm” sớm trở thành hiện thực ở Bình Phước.